Các tỉnh phía bắc đang trải qua ngày nắng nóng gay gắt khi nhiệt độ ngoài trời có nơi lên tới hơn 40 độ C. Nắng nóng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân, nhất là người phải lao động ngoài trời, người già và trẻ nhỏ. Do vậy, người dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và người thân…
Tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội, lượng người bệnh, nhất là người già và trẻ em đến khám và điều trị đã tăng hơn hẳn những ngày thời tiết mát mẻ trước đó. Tại Bệnh viện Đống Đa, bên cạnh số người đến khám tăng từ 15% đến 20% thì số người bệnh cao tuổi đến khám, điều trị chiếm khoảng 70%, trong đó có nhiều trường hợp bị huyết áp cao, tim mạch, tai biến mạch máu não... phải điều trị nội trú.
Công suất sử dụng giường bệnh tại Khoa Lão trong những ngày nắng nóng thường xuyên đạt 100-120%. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, khi số lượng người bệnh nhập viện tăng 30% so mức bình quân của những ngày trước đó. Tại các khoa: Nhi, Tiêu hóa và Dinh dưỡng, nhiều bệnh nhi đang điều trị sởi, tay chân miệng, viêm màng não và viêm não Nhật Bản... Tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, các khoa có đông người bệnh nhập viện là: Nhi, Sơ sinh, Tim mạch, Tai mũi họng, Mắt...
Theo kinh nghiệm của các bác sĩ ở Bệnh viện Lão khoa T.Ư, nắng nóng là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các bệnh về hô hấp, tim mạch, huyết áp, thần kinh, tiêu hóa. Những ngày đầu của đợt nắng nóng, số lượng người bệnh nhập viện chưa đột biến, nhưng tình trạng nhiều người già nhập viện sẽ kéo dài, kể cả khi hết đợt nắng nóng.
Tại tỉnh Nghệ An, số người bệnh nhập viện tăng đột biến. Bình thường mỗi ngày Bệnh viện Sản Nhi có khoảng từ 1.400 đến 1.500 trẻ đến khám và từ 800 đến 900 người bệnh điều trị nội trú. Nhưng hai ngày qua, số người đến khám đã tăng lên gần 1.800 lượt và có đến 1.133 người điều trị nội trú, chủ yếu là trẻ em nhập viện điều trị liên quan các bệnh tiêu chảy cấp, viêm hô hấp, sốt phát ban…
Nhiều bệnh viện tuyến huyện ở Nghệ An cũng có hiện tượng tương tự, với các loại bệnh do ảnh hưởng nắng nóng như bệnh phổi tắc nghẽn, tiêu chảy cấp, sốt vi-rút, sốt cao co giật, biến chứng của bệnh tăng huyết áp, viêm phế quản mãn tính, tai biến mạch máu não.
Tại Bệnh viện Đô Lương, trong đợt nắng nóng này, lượng người đến khám bệnh mỗi ngày hơn 400 người, tăng hơn 100 người so với trước đây. Ngoài ra, do tác động của nắng nóng, gió lào thổi mạnh đã gây cháy rừng, bãi rác kéo dài ở một số địa phương, làm ảnh hưởng môi trường và đe dọa sức khỏe của người dân. Tại bãi rác rộng 5 ha ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), xuất hiện đám cháy từ ngày 25 đến 28-6 đã khiến hơn 30 người dân tại thôn 5 (ở gần bãi rác) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng buồn nôn, tức ngực, khó thở.
Các bệnh viện đều đã có các biện pháp tăng cường công tác chống nắng, nóng; huy động nhân lực và phương tiện để khám, điều trị cho người bệnh; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị như: quạt, bạt che, nước uống, nước sinh hoạt và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh. Ngoài ra, các bệnh viện cũng thực hiện nhiều giải pháp giảm tải cho khu vực khám bệnh, giảm đến mức thấp nhất tình trạng người bệnh phải nằm ghép; tập huấn cho nhân viên y tế về các biện pháp cấp cứu, xử lý trường hợp say nắng và các bệnh dịch thường gặp trong mùa nắng nóng; chuẩn bị đủ cơ số thuốc, dịch truyền sẵn sàng cấp cứu người bệnh say nắng và các bệnh mùa hè.
Ngày 3-7, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có yêu cầu các bệnh viện tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh mùa hè và do nắng nóng cho người bệnh. Theo đó, các bệnh viện tiếp tục duy trì thực hiện tốt Quyết định số 1313/QĐ-BYT của Bộ trưởng Y tế về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện; rà soát, áp dụng hiệu quả các nội dung trong Bộ tiêu chí chất lượng, bệnh viện Việt Nam, như bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; lắp điều hòa nhiệt độ (nếu có điều kiện).
Đồng thời, cung cấp nước uống miễn phí cho người bệnh; bố trí đầy đủ bàn khám; sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm đến mức thấp nhất thời gian chờ đợi của người bệnh; bảo đảm bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ do nóng, hô hấp, tiêu hóa...
Các bác sĩ cảnh báo, trong những ngày nắng nóng thì say nắng là căn bệnh nghiêm trọng nhất, có thể dẫn đến chết người hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị, cấp cứu kịp thời. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồi hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát. Thân nhiệt có thể lên tới 39,5oC hoặc cao hơn trong vòng từ 10 đến 15 phút. Để phòng ngừa say nắng, những người làm việc ngoài nắng nóng lâu phải trang bị phương tiện bảo hộ tốt. Khi nhiệt độ lên cao, nắng nóng gay gắt ở giờ cao điểm (từ 11 đến 15 giờ) nên hạn chế hoạt động ngoài trời. Bởi tất cả các hoạt động tập thể dục, lao động vất vả... dưới trời nắng nóng như hiện nay rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não.
Riêng với trẻ nhỏ, bệnh chủ yếu liên quan nắng nóng là mất nước do trẻ vẫn chạy nhảy, chơi đùa tăng sinh nhiệt, lại kèm tình trạng mải chơi chạy ra chạy vào trời nắng, không uống nước nên dễ vã mồ hôi. Hiện tượng người nhợt nhạt, chuột rút, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, ngất; da lạnh và ẩm ướt; mạch nhanh và yếu; thở nhanh và nông cho thấy trẻ có tình trạng kiệt sức do nóng. Cần giúp trẻ hạ thân nhiệt bằng các biện pháp: cho uống nước mát, tắm nước mát, lau người bằng khăn mát, đưa trẻ tới nơi có quạt mát, điều hòa, mặc quần áo nhẹ nhàng, thoáng mát.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo: thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Do vậy, trong những ngày nắng nóng, người dân cần uống nhiều nước, nhất là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol, nước dừa, nước lọc... Tuy nhiên, hãy uống nước đúng cách, chủ động uống kể cả khi không thấy khát nước để bảo đảm cơ thể đủ nước.