Từ thực tế triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở”, 6 bài học kinh nghiệm lớn đã được rút ra.
Theo đó, thứ nhất cần nắm vững các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nhận thức đúng đắn, vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.
Thực hiện quy chế dân chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
Thứ hai, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải xác định rõ việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thực sự tâm huyết trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; có sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ trong cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện. Nơi nào cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ, quan tâm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực sự gương mẫu trong thực hiện dân chủ thì nơi đó dân chủ được thực hiện tốt, bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Thứ ba, coi trọng thể chế hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở thành các quy định pháp luật. Thực hiện dân chủ phải được cụ thể hóa, xây dựng thành các quy chế, quy định, quy trình công khai, dân chủ, minh bạch trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân và thường hay xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Xây dựng, phát triển các hình thức thực hành dân chủ phù hợp, nâng cao chất lượng dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; xử lý nghiêm đối với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; đổi mới và nâng cao chất lượng các hình thức lấy ý kiến nhân dân.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao trình độ dân trí, nhất là đối với nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; chú trọng tuyên truyền các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, đến thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân.
Thứ năm, phát huy dân chủ phải luôn gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh, xử lý những trường hợp lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định về an ninh trật tự và những hành vi vi phạm dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tuyên truyền, nhân rộng những mô hình tốt; chấn chỉnh, uốn nắn những nơi làm chưa tốt.