Chào mừng kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2018) và hướng tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, ngày 28/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 14 với chủ đề “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn những công trình”.
Dự Chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương.
Phát biểu tại Chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ biểu dương những cống hiến vô cùng to lớn của tập thể những người đã xây dựng nên các công trình để lại dấu ấn trong quá trình phát triển đất nước từ giai đoạn đổi mới đến nay. Công cuộc đổi mới của đất nước có rất nhiều thành tựu, kinh nghiệm để từ chỗ là một nước nghèo, thu nhập thấp, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; thế và lực của đất nước ta ngày càng được củng cố và vững mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc tôn vinh các công trình tiêu biểu của đất nước là biểu tượng chân thực, minh chứng sống động cho sự dám nghĩ, dám làm, đóng góp cho xã hội của các trí tuệ Việt Nam. Có được thành tựu này có công không nhỏ của các cá nhân, tập thể được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam, cũng như mỗi người dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc.
“Chúng tôi cũng trân trọng và cảm ơn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã bình chọn ra những công trình tiêu biểu của đất nước để vinh danh. Những công trình này vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả, phục vụ cho đời sống xã hội. Tôi mong rằng, các trí tuệ Việt Nam sẽ tiếp tục sáng tạo ra những công trình có ý nghĩa lớn lao, bởi, đây là những tấm gương đầy tự hào về ý chí và trí tuệ con người Việt Nam”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng đề nghị tổ chức công đoàn, các bộ ngành địa phương tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua trong cán bộ công nhân viên chức, người lao động, nhất là phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, học tập nâng cao trình độ nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt là trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0. Tiếp tục phát hiện biểu dương, nhân rộng các điển hình tiêu biểu, các nhân tố mới, với những gương người tốt, việc tốt, đưa phong trào thi đua yêu nước phát triển lên tầm cao mới, góp phần xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường trao giải thưởng cho những đại diện của 8 công trình đặc biệt tiêu biểu xuất sắc. Ảnh: VGP/Thành Chung
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết: Chương trình Vinh quang Việt Nam những năm trước đây nhằm ghi nhận và vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc gắn với những công trình tầm vóc, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước, ý chí quyết tâm, tinh thần lao động sáng tạo vì sự phát triển của đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Từ đầu năm 2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất ý tưởng bình chọn công trình đặc biệt tiêu biểu xuất sắc, ghi dấu ấn đậm nét, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm từ 1975 trở lại đây.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, trong 8 công trình được tôn vinh lần này, có những tập thể đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đây là những điển hình đầy tự hào về ý chí, nghị lực, bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam, có những đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ở những giai đoạn lịch sử.
Công trình Vệ tinh viễn thông của Việt Nam (VINASAT-1, VINASAT- 2) là dấu mốc lịch sử quan trọng, mang tầm vóc quốc gia từ năm 2008. Từ đây, Việt Nam có quyền chính thức trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên không gian vũ trụ, qua đó khẳng định chủ quyền quốc gia trên bản đồ không gian thế giới, nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Công trình Đường dây 500KV Bắc-Nam được coi là kỳ tích của thế kỷ XX. Công trình là một giải pháp cấp thiết, quan trọng để giải quyết bài toán thiếu điện ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, tạo bước ngoặt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực; góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế phía Nam ở mức cao trong nhiều năm liên tục.
Công trình Thủy điện Hòa Bình sản xuất hàng tỷ Kwh điện mỗi năm, đã giải quyết được tình trạng thiếu điện trầm trọng của đất nước trong những năm 80 của thế kỷ XX - những năm vô cùng khó khăn vì đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt chống giặc ngoại xâm.
“Đường Hồ Chí Minh” là con đường huyền thoại trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mạch giao thông trục dọc quan trọng thứ hai của quốc gia, đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực miền núi, biên giới, tây nguyên, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực phía tây của Tổ quốc.
Công trình "Nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới OM 6976 và OM 5451” có năng suất và chất lượng cao đã thể hiện năng lực tiếp cận, ứng dụng, làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật để góp phần phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Công trình "Từ điển Bách khoa Toàn thư” do công sức to lớn của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu để tạo nên một kiệt tác đồ sộ trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.
Công trình “Bản đồ địa chất, bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:200.000” với những tập thể, cá nhân có ý chí sắt đá đã vượt qua hàng trăm ngàn km khảo sát thực địa, lấy mẫu với muôn vàn khó khăn để hoàn thành công trình.
Chương trình tiêm chủng mở rộng đã giúp đất nước bảo vệ được hàng triệu trẻ em và phụ nữ không bị mắc bệnh, không bị chết cũng như các di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến góp phần nâng cao thể lực, trí tuệ con người Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, cùng lãnh đạo các bộ, ngành với đại diện của 8 công trình tiêu biểu của đất nước. Ảnh: VGP/Thành Chung
Đây là những công trình mang tầm vóc thế kỷ, mang dấu ấn thời gian, minh chứng cho sự sáng tạo trong lao động, sản xuất của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động Việt Nam. Những công trình được lựa chọn không chỉ làm cho đất nước phát triển cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn là cái nôi đào tạo ra những đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, sánh vai với khu vực và thế giới trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, năng lượng, địa chất, viễn thông, y tế, văn hóa, nông nghiệp.
PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa, tác giả của Công trình nghiên cứu chọn tạo và phát triển 2 giống lúa mới bày tỏ mong muốn kết quả nghiên cứu của mình được ứng dụng vào sản xuất, giúp cho nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Vì vậy, sau 9 năm kiên trì lai tạo, thử nghiệm, ngày đêm gắn bó với đồng ruộng và phòng thí nghiệm đã nghiên cứu ra 2 giống lúa với năng suất cao gấp rưỡi các giống lúa khác và có sức chống chọi cao với sâu bệnh.
“Tôi không nghĩ đến việc nào vất vả, việc nào không vất vả, đây là công việc có tính chất kiên trì, liên tục nhiều năm. Không chịu có gì vui vui sướng bằng khi thấy giống của mình được ứng dụng vào sản xuất trên diện rộng, diện tích năm sau luôn cao năm trước”, PGS.TS Trần Thị Cúc Hoà nói.
Tại Chương trình, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đã trao giải thưởng cho những đại diện của 8 công trình đặc biệt tiêu biểu xuất sắc, ghi dấu ấn đậm nét, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.