Phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, đáng chú ý, thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi, phức tạp.
Mỗi tháng, Việt Nam chi 200 triệu USD để nhập khẩu phế liệu
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước nhập 277.000 tấn nhựa phế liệu, 1,06 triệu tấn giấy phế liệu, 2,7 triệu tấn sắt thép phế liệu với tổng giá trị nhập khẩu khẩu phế liệu là 1,2 tỷ USD. Như vậy, trung bình, mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu 200 triệu USD phế liệu.
Trước đó, năm 2016 là 4,9 triệu tấn với trị giá gần 1 tỷ USD; năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 5,5 triệu tấn phế liệu với trị giá 1,8 tỷ USD.
Một số quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều phế liệu nhất, nổi bật là Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Các mặt hàng phế liệu nhập khẩu chủ yếu là nhựa phế liệu, giấy phế liệu và sắt thép phế liệu.
Đủ chiêu trò để “tuồn” phế liệu vào Việt Nam
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết, tình trạng nhập khẩu phế liệu đang gia tăng tại các cảng biển của Việt Nam. Nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam. Số lượng container phế liệu đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng và Cát Lái (TP.HCM) lên đến 5.064 chiếc, trong đó có 3.276 container tồn quá 90 ngày.
Theo đại diện của Tổng cục Hải quan, dù quan điểm của hải quan là kiên quyết xử lý phế liệu nhập khẩu không đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, nhập khẩu chất thải và hàng hoá cấm khác, tuy nhiên, việc quản lý vẫn gặp không ít khó khăn do thủ đoạn của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi.
“Trong quá trình thông quan cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu đã phát hiện một số hãng tàu khai rất chung chung là phế liệu hay hàng đã qua sử dụng (như màng nhựa qua sử dụng, bao tải dứa qua sử dụng…) nhằm trốn tránh quy định về nhập khẩu phế liệu. Hoặc cách đây ít ngày vừa xuất hiện trường hợp hi hữu khi trong container thép phế liệu của một công ty thép có tiếng lại xuất hiện cả trăm gói ma túy”, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết thêm.
Không chỉ dừng ở việc cố tình khai sai, khai chung chung thông tin, nhiều doanh nghiệp còn làm giả giấy tờ để nhập khẩu phế liệu. Lấy ví dụ về trường hợp Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt, có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình vừa bị Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố, ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, tất cả các giấy tờ của doanh nghiệp này trong quá trình nhập khẩu đều làm giả như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, giấy thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan… tại nhiều địa điểm, cả ở TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu với 635 tờ khai, giá trị lô hàng lên tới hơn 35 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan còn làm rõ được một số thủ đoạn mới của các đối tượng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Theo đó, lợi dụng việc Chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu, một số cá nhân người Trung Quốc đã chuyển hướng đưa loại hàng hóa này vào Việt Nam thông qua các cảng biển.
Cụ thể, các cá nhân người Trung Quốc thu gom nguồn phế liệu từ các nước châu Âu, sau đó tìm cách nhập khẩu vào Việt Nam. Họ khai báo là phế liệu đủ tiêu chuẩn nhập khẩu nhưng thực chất qua kiểm tra đều không đủ. Ví dụ: các khung tranh cũ, sau khi đưa vào Việt Nam, các đối tượng người Trung Quốc sẽ thuê người tách lấy phần nhôm, còn toàn bộ rác thải (nhựa, kính...) để lại Việt Nam.
"Họ tìm cách kết nối, thuê người Việt Nam đi xin giấy phép thành lập các nhà máy xử lý phế liệu. Qua đấu tranh, nắm bắt nhận thấy có nhà máy đủ tiêu chuẩn nhưng nhiều nhà máy hoạt động trá hình chủ yếu để nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam để tiêu thụ. Hiện chúng tôi đang phối hợp với cơ quan công an điều tra về quy mô của các hoạt động này để có hướng xử lý", ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho hay./.