Ngày 7/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với Hội đồng Giáo dục quốc gia và phát triển nhân lực cùng một số chuyên gia, nhà quản lý, lắng nghe ý kiến đóng góp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi).
* Không thu học phí một số đối tượng
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sau khi nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (Quốc hội Khóa XIV) và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã bổ sung nhóm chính sách mới là không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ học phí cho đối tượng ngoài công lập, đối tượng học sinh diện phổ cập và nhóm chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.
Về quy định trường chuyên, ban soạn thảo cho rằng hiện nay đã được thực hiện theo Luật Giáo dục, hệ thống các trường chuyên thời gian qua ổn định và phát triển, phát huy tác dụng trong việc đào tạo nhân tài cho đất nước. Mô hình trường chuyên dành cho những học sinh có tư chất thông minh nhằm tạo nguồn đào tạo nhân tài chất lượng cao cho trường đại học, đặc biệt là các chương trình chất lượng cao, vì vậy đề nghị vẫn duy trì trường chuyên trong hệ thống trung học phổ thông và có sửa đổi phù hợp với đối tượng tuyển sinh hiện nay.
Là người tiên phong trong mở trường tiểu học dân lập đầu tiên của thành phố Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm trăn trở “10 năm trở lại đây, tôi băn khoăn nhiều về vấn đề trường chuyên”. Theo bà, tình trạng chảy máu chất xám của các trường chuyên rất nặng. Nhiều học sinh cố gắng thi vào trường chuyên để làm “bàn đạp” có cơ hội xin học bổng, đến lớp 11, 12 sĩ số lớp giảm dần.
“Tôi không phản đối trường chuyên nhưng quản lý và có cơ chế thế nào để thực hiện đúng mục tiêu là đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước chứ không phải để chảy máu chất xám”, bà Hiền đặt vấn đề và đề nghị cơ quan soạn thảo lưu tâm. Bà cũng đề cập việc một số trường chuyên đưa giải pháp cận chuyên để thu tiền, trong khi đó chuyên và cận chuyên học cùng với nhau, với đề xuất nguyên tắc giáo dục phổ thông phải giải quyết tận gốc rễ trong luật. Trách nhiệm của Nhà nước là bảo đảm mức cơ bản cho các trường công để đảm bảo cho trẻ em có chỗ học. Chủ trương xã hội hóa giáo dục chính là động lực cho trường công phát triển. Có trường tư thì Nhà nước chỉ đầu tư cho các trường công ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nhưng hiện nay, trường công mở ra trường chất lượng cao, dùng tiền của Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, lương Nhà nước trả, song lại thu tiền của dân, đó là hình thức làm hạn chế sự phát triển của trường tư.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận “chúng ta nhầm lẫn giữa đào tạo tài năng và đào tạo chất lượng cao”. Các đối tượng đặc biệt trong xã hội, hoặc thật tài năng, hoặc yếu thế thì Nhà nước phải đảm bảo, nhưng chất lượng cao thì phải để cho xã hội. Đây là điều cần phải bàn và đưa vào trong luật.
* Phải theo đúng xu thế quốc tế
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học dự kiến tiếp thu các vấn đề về mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học; tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình; trình độ, thời gian, hình thức đào tạo; giáo dục đại học tư thục; trách nhiệm của Nhà nước, quản lý Nhà nước đối với giáo dục đại học và một số vấn đề khác.
Theo đó, có tiêu chí cụ thể để phân biệt giữa đại học với trường đại học, giữa trường đại học với học viện; Đại học Quốc gia, đại học vùng để xác định rõ vị trí pháp lý của từng loại hình cơ sở giáo dục đại học; viện nghiên cứu khoa học do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ được cho phép đào tạo trình độ tiến sỹ thực hiện tuyển sinh và đào tạo theo quy định của Luật này. Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ của giáo dục đại học bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa (bao gồm cả đào tạo trực tuyến). Việc chuyển đổi giữa các hình thức, trong quá trình đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông. Thời gian đào tạo thực tế là thời gian tích lũy tín chỉ của người học.
Dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ các khái niệm về các loại hình cơ sở giáo dục đại học, quy định khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, ưu tiên các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Nhà nước có cơ chế phân bổ nguồn lực cho giáo dục đại học theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả, đảm bảo bình đẳng công tư trong điều chỉnh pháp luật. Quy định rõ mô hình và cơ chế tài chính của cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập vận dụng theo mô hình doanh nghiệp và đảm bảo tính đặc thù của giáo dục đại học, không thương mại hóa…
Thực hiện tự chủ đại học trên nguyên tắc phân định rõ giữa quản lý Nhà nước với quản trị đại học của các trường; quy định rõ và nâng cao vai trò của hội đồng trường thực hiện các quyền của cơ quan chủ quản trong việc quyết định nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; huy động nguồn lực phát triển trường và quy định quyền tự chủ của trường đối với từng loại tài sản trong nhà trường… để thực hiện tự chủ đại học, dần xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản trường đại học. Quản lý nhà nước chỉ tập trung vào việc hoạch định chiến lược, quy hoạch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sửa Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục là để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nguyên tắc làm luật là không mô tả hiện tại mà phải cho một quá trình lâu dài, phải là luật cho tương lai, mà như vậy thì phải theo đúng xu thế quốc tế, không vì đặc thù mà đi ngược với trào lưu của thế giới, được cả nhân loại công nhận.
“Phải có lộ trình nhưng lộ trình đó không được làm hỏng tầm nhìn dài hạn của một luật. Luật phải giáo dục con người, về kiến thức và trí tuệ phải được khai mở, không áp đặt tuân thủ thụ động mà phải khơi dậy sự sáng tạo cá nhân. Luật phải toát lên được vấn đề ý thức công dân toàn cầu, có trách nhiệm trước các vấn đề quốc tế”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Luật Giáo dục mang tính “nền” cho cả hệ thống giáo dục, từng lĩnh vực phải nêu được nguyên lý căn bản, như nguyên tắc phổ thông, điều đầu tiên là ai cũng có thể đi học. Sắp xếp, tinh giản biên chế nhưng nguyên tắc là phải thuận lợi cho người dân, người học.
“Đã là phổ thông thì Nhà nước phải có trách nhiệm, vì giáo dục là một dịch vụ công thiết yếu. Trách nhiệm nhà nước ở đây là đảm bảo mức cơ bản, còn ở phân khúc trên phải dành cho xã hội hóa. Mình kêu gọi xã hội hóa tại sao không được, là vì mình sinh ra các trường chất lượng cao, trường chuyên, lớp chọn - đều là niềm tự hào, các cấp chính quyền đầu tư hết, thì xã hội hóa giáo dục ở đâu”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng nếu không sửa Luật Giáo dục đại học sẽ không thể thực hiện tự chủ. Hiện tự chủ mới ở mức thí điểm, tự chủ giữa đại học với cơ quan nhà nước, cụ thể là với bộ chủ quản và bộ quản lý nhà nước. Bản thân tự chủ đại học là phải tự chủ đến các đơn vị trong trường, đến từng giáo viên, từng học sinh. Tự chủ đại học là vấn đề bắt buộc./.