Đối với học sinh các cấp học, bộ sách giáo khoa các môn học được coi là công cụ quan trọng nhất để học tập. Vì thế, từ xưa đến nay, cứ đến mùa tựu trường, các em học sinh lại háo hức chuẩn bị sách giáo khoa để bước vào năm học mới...
Dù đã có nhiều cuộc cải cách về giáo dục và đào tạo, trong đó có những thay đổi trong phương pháp giáo dục, nhưng sách giáo khoa các cấp học vẫn luôn là công cụ không thể thiếu gắn liền với quá trình học tập của học sinh. Tuy nhiên, theo thời gian, sự đổi mới, cải cách sách giáo khoa và sự bùng nổ của thị trường sách tham khảo đã có những tác động không nhỏ đến chất lượng sách giáo khoa, đến nhận thức về tầm quan trọng và việc đọc sách giáo khoa của tuổi học đường. Việc sử dụng sách giáo khoa xưa và nay có nhiều điểm khác biệt cần bàn luận.
Ngược thời gian, chúng ta trở về thời điểm đầu những năm 80, 90 của thập kỷ trước. Khi đó, tuy đất nước còn khó khăn, cuộc sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập của các nhà trường chưa được đầy đủ như hiện nay. Tuy vậy, ở mỗi cấp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đảm bảo cung ứng đủ sách giáo khoa cho học sinh. Các gia đình hầu như chỉ cố gắng mua sắm đủ cho con em mình bộ sách giáo khoa chứ không đủ điều kiện để mua sách tham khảo nhiều như hiện nay.
Bộ sách giáo khoa trước đây, nhất là sách giáo khoa bậc tiểu học được biên soạn phù hợp với tâm lý lứa tuổi và trình độ nhận thức của học sinh các cấp học. Hình ảnh trong sách chủ yếu là hình vẽ mô phỏng, gắn với thực tiễn cuộc sống. Các mục kiến thức trong sách gần như cố định chứ không để những ô trống, dấu chấm để học sinh điền vào sách như hiện nay.
Trước đây, việc sử dụng sách giáo khoa và văn hóa đọc có phần khác so với hiện nay. Cụ thể là, các em học sinh khi sử dụng sách đã có ý thức gìn giữ bộ sách rất tốt. Hầu hết, vào đầu năm học, các thầy cô giáo chủ nhiệm đều hướng dẫn các em bọc bìa sách bằng giấy báo để cho lề, gáy sách khỏi bị rách, sờn và sách không bị cũ.
Nhờ vậy, hết năm học, học sinh ở lớp trên có thể cho mượn, bán lại cho học sinh lớp dưới hoặc anh chị em trong một gia đình có thể chuyển lại để dùng chung một bộ sách mà không phải tốn tiền mua và bộ sách vẫn không hề bị rách, cũ. Vì thế, tình trạng thiếu sách hay phụ huynh phải bỏ ra một khoản tiền để mua sách không diễn ra. Hơn nữa, học sinh miền xuôi thường có phong trào quyên góp sách cũ để ủng hộ cho học sinh vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn để giúp các bạn khắc phục khó khăn vào đầu mỗi năm học.
Cùng với việc giữ gìn sách thì văn hóa đọc, học sách giáo khoa của học sinh trước đây cũng khá tốt. Học sinh chủ yếu học trong sách giáo khoa chứ ít lệ thuộc vào sách tham khảo. Hầu hết học sinh sử dụng sách giáo khoa như một vật “bất ly thân” trong công việc học tập của mình. Nhờ đó, sách giáo khoa đã phát huy tác dụng trong học và thi của học sinh. Trải qua 12 năm đèn sách, nhiều thế hệ học sinh đã coi những cuốn sách giáo khoa như một vật kỷ niệm trong quãng đời học sinh của mình.
Trong giai đoạn hiện nay, khoa học công nghệ phát triển, kỹ thuật in ấn hiện đại hơn cộng với những lần cải cách, bộ sách giáo khoa các cấp học đã được đổi mới cả về nội dung và hình thức. Mẫu bìa, hình ảnh, tranh vẽ và chất lượng giấy được đổi mới hơn. Nội dung các cuốn sách bớt đi tính hàn lâm và sát gần với thực tiễn đời sống hơn.
Tuy nhiên, việc biên soạn, sử dụng sách giáo khoa hiện nay cũng có nhiều điều cần bàn. Trước hết, đó là chất lượng nội dung. Hình thức mỗi cuốn sách tuy có đổi mới nhưng qua các năm, vẫn còn khá nhiều “hạt sạn” trong mỗi trang sách. Cụ thể như lỗi trình bày, diễn đạt, sử dụng chính tả, câu từ chưa phù hợp, có khi còn sai. Hình ảnh, câu từ gây sự phản cảm hoặc có cuốn sách đưa sai thông tin về kiến thức của cấp học, vẫn còn những nội dung đưa vào giảng dạy chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi... Một trong các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là khâu kiểm duyệt nội dung xuất bản tại các nhà xuất bản chưa chặt chẽ, để người dạy, người học khi đọc mới phát hiện ra những lỗi sai “tiểu tiết” ở mỗi trang sách.
Việc biên soạn, thiết kế các bài học, mục kiến thức trong các trang sách hiện nay tuy tiện dụng cho học sinh xong lại không tạo ra điều kiện để sử dụng lại cuốn sách. Cụ thể là, trong nhiều trang sách để sẵn ô trống, dòng kẻ chấm để học sinh điền luôn đáp án hoặc câu hỏi trắc nghiệm để học sinh khoanh vào đáp án đúng. Như thế, nếu bộ sách đó chuyển cho lớp sau học sẽ không còn tác dụng nhiều. Vì thế, hiện nay, đa số học sinh phải mua bộ sách mới để sử dụng chứ ít sử dụng lại, nhất là học sinh bậc tiểu học.
Với sự phát triển tràn lan sách tham khảo như hiện nay thì văn hóa đọc, học trong sách giáo khoa đã bị ảnh hưởng khá rõ. Điển hình là nhiều học sinh quá lệ thuộc vào sách tham khảo mà không chú trọng học kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, quá chú ý làm những bài tập khó, nâng cao ở sách tham khảo mà bài tập dễ trong sách lại không làm được. Hơn nữa, ý thức giữ gìn, bao bọc những cuốn sách giáo khoa của học sinh ngày nay không được như trước. Nhiều em để bìa sách rách, vẽ, viết lên các trang sách... Vì thế, việc dùng lại các bộ sách để tiết kiệm kinh phí không được phát huy như trước.
Năm học mới đã bắt đầu. Năm học này, thị trường sách giáo khoa tại các địa phương rất sôi động, phụ huynh học sinh hối hả tìm mua sách cho con em mình bước vào năm học mới. Tuy nhiên, năm nay, đã xảy ra tình trạng khan hiếm sách giáo khoa ở các cấp học. Điều đó khiến cho phụ huynh không khỏi lo lắng về việc con em mình thiếu sách để học. Thiết nghĩ, nếu như các nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao văn hóa sử dụng sách giáo khoa cho học sinh để mỗi bộ sách được học xong sẽ còn lành lặn để chuyển dùng cho lớp sau. Có như thế, sẽ tránh được tình trạng thiếu sách, tiết kiệm được kinh phí và sử dụng hiệu quả các bộ sách giáo khoa ở bản thân mỗi học sinh, mỗi nhà trường.
Các thầy cô giáo và cán bộ thư viện các nhà trường cần hướng dẫn học sinh cách đọc sách sao cho khoa học và hiệu quả. Đồng thời, giáo viên bộ môn sau mỗi bài học cần giới thiệu cho học sinh những tài liệu cần đọc hiện có trên thư viện, những tài liệu bổ trợ, nâng cao mà các em cần đọc. Giúp học sinh nhận thức được khi đứng trước một cuốn sách hay cần phải đọc như thế nào cho hiệu quả, cách sắp xếp sách khoa học sau khi đọc, cách tóm tắt nội dung cuốn sách và ghi lại những tri thức cần thiết trong sách. Trong mỗi năm học, các nhà trường nên tổ chức ngày hội đọc sách để vừa tuyên truyền, giao lưu vừa giúp học sinh có cơ hội tiếp xúc với những phương pháp đọc sách hiệu quả, những cuốn sách hay. Tại ngày hội này, nên tổ chức vừa giới thiệu sách, vừa tổ chức thi thuyết trình sách…
Trước năm học mới, việc chuẩn bị cho con em mình một bộ sách giáo khoa đầy đủ là việc làm đương nhiên của mỗi gia đình. Tuy nhiên, do nhu cầu học tập, ôn tập trong chương trình học, học sinh và phụ huynh đã chủ động mua thêm các bộ sách tham khảo, tài liệu nâng cao để phục vụ cho quá trình ôn tập. Tuy nhiên, việc tìm mua một bộ tài liệu tham khảo chuẩn để con em mình ôn tập hiệu quả khi các cháu chưa được học thì quả là khó khăn. Vì thế, trước thềm năm học, việc mua sách gì, tài liệu gì, mua ở đâu, sách nào, tài liệu nào phù hợp và hiệu quả lại tạo nên một nỗi lo đối với nhiều phụ huynh.
Để vơi đi nỗi lo về sách tham khảo, tài liệu ôn tập, nâng cao của phụ huynh học sinh trước thềm năm học mới, các nhà trường cần phổ biến đến toàn thể phụ huynh về kế hoạch giáo dục, chương trình học trong năm học. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tư vấn cho học sinh và phụ huynh về thời điểm mua và sử dụng sách, tài liệu tham khảo sao cho hợp lý và hiệu quả. Mỗi phụ huynh cũng cần cân nhắc trước khi mua về số lượng, nguồn gốc sách tham khảo. Giáo viên chủ nhiệm cần giới thiệu cho học sinh danh mục sách tham khảo tại thư viện nhà trường, thư viện địa phương để các em khai thác triệt để và hiệu quả nguồn sách thư viện, tránh việc mua nhiều tài liệu bên ngoài một cách lãng phí./.