Năm 2018 là thời điểm kỷ niệm 11 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), 20 năm gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đồng thời đặt dấu mốc kỷ niệm 23 năm Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và 51 năm tổ chức này được thành lập và không ngừng hợp tác, phát triển để hình thành nên Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. ASEAN hiện bao gồm 10 thành viên trong khu vực Ðông - Nam Á, một thị trường đứng thứ ba châu Á với hơn 650 nghìn dân, chiếm 8,59% tổng dân số thế giới, GDP bình quân đầu người đạt 4.305 USD, dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 đưa ASEAN thành cộng đồng kinh tế đứng thứ 7 trên thế giới, với tổng GDP 2.766 tỷ USD.
Qua hơn 50 năm kiên trì hợp tác và phát triển, ngoài các trụ cột hợp tác về an ninh - chính trị, văn hóa - xã hội, ASEAN cũng đã và đang tập trung vào hợp tác kinh tế thông qua việc thành lập Cộng đồng Kinh tế, coi đây là một trong ba trụ cột quan trọng nhất, nhằm hỗ trợ nhau cùng phát triển; xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh về kinh tế; lành mạnh, đa mầu sắc về văn hóa và ổn định về an ninh, chính trị; phồn thịnh về an sinh xã hội, dù còn có sự khác biệt về tôn giáo, về trình độ phát triển, về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin... song 10 nước ASEAN đã coi nhau như anh em một nhà, để hỗ trợ, giúp đỡ và cùng nhau phát triển về mọi mặt. Sự phát triển và hợp tác vững chắc của ASEAN góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của thế giới trong thiên niên kỷ mới nói chung, nâng cao vị thế của các nước ASEAN trên trường quốc tế nói riêng, cũng như tạo tiền đề cho các khu vực khác đẩy mạnh hợp tác, coi ASEAN như "người tìm đường" trong quá trình đẩy mạnh hợp tác và liên kết kinh tế khu vực.
Một số thành tựu quan trọng trong trụ cột hợp tác kinh tế mà ASEAN đã đạt được trong những năm qua có thể kể đến như:
Về thương mại hàng hóa, theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các nước ASEAN đã tiến rất gần đến mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan đối với các nước ASEAN 6 (năm nước sáng lập và Bru-nây), 99,2% số dòng thuế đã được xóa bỏ, trong khi 90,9% số dòng thuế của các nước gia nhập sau là Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam (các nước CLMV) đã được xóa bỏ tính tới năm 2017. Dự kiến, tới hết năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong toàn ASEAN sẽ đạt 98,67%. Ngoài tự do hóa thuế quan, các nước ASEAN cũng đang triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của các doanh nghiệp (DN) như dự án thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cơ chế hải quan một cửa...; các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về tiêu chuẩn trong các lĩnh vực điện-điện tử, cao-su, thực phẩm chế biến sẵn, dược phẩm và thiết bị y tế... Ngoài ra, Việt Nam và các nước ASEAN đã thực thi MRA về điện và điện tử, về kiểm tra thông lệ sản xuất thuốc tốt; đã ký MRA về nghiên cứu tương đương sinh học, về hệ thống giám định và chứng nhận an toàn thực phẩm đối với thực phẩm đã qua chế biến nhằm tạo nên một khu vực sản xuất thống nhất trong ASEAN.
Về thương mại dịch vụ, tự do hóa thương mại dịch vụ là một trong những ưu tiên quan trọng trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Quá trình tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các nước ASEAN được thực hiện trong khuôn khổ của Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), ký kết vào năm 1995 và tiếp tục được đàm phán nhằm tự do hóa dần dần thương mại dịch vụ giữa các nước ASEAN. Hiện nay, các nước ASEAN đang đặt mục tiêu sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết Nghị định thư thực hiện Gói cam kết dịch vụ thứ 10 thuộc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS-10) trong năm 2018.
Về đầu tư, trước bối cảnh các khu vực cũng như các nước ASEAN ngày càng phải chịu sức cạnh tranh mạnh mẽ về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước đang phát triển khác trên thế giới cũng như trong khu vực, ngày 15-12-1995, tại Thái-lan, Hội nghị Cấp cao lần thứ 5 của ASEAN đã quyết định thành lập Khu vực Ðầu tư ASEAN (AIA), nhằm tăng cường thu hút vốn và khả năng cạnh tranh để khuyến khích đầu tư FDI vào khu vực ASEAN, nơi có nguồn lao động trẻ, rẻ và dồi dào. Sau nhiều nỗ lực thực thi AIA và Hiệp định Ðầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), trong năm 2017, các nước ASEAN đã hoàn tất việc ký kết Nghị định thư thứ hai sửa đổi ACIA và tiến tới sớm hoàn thành ký kết Nghị định thư thứ ba sửa đổi Hiệp định này để tăng cường luồng đầu tư trong khu vực Ðông - Nam Á.
Về hợp tác ngoại khối, đến nay, ASEAN đã ký kết và thực hiện sáu hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm: FTA nội khối ASEAN (AFTA); và năm FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân. Tháng 11-2017, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 31, các nước ASEAN cũng đã ký kết FTA ASEAN - Hồng Công, Trung Quốc và Hiệp định đầu tư ASEAN - Hồng Công, Trung Quốc. Ngoài ra, hiện tại các nước thành viên ASEAN cũng đang đàm phán Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sáu nước đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân nhằm đạt được một hiệp định FTA toàn diện với mức độ cam kết cao hơn các FTA hiện nay giữa ASEAN với các đối tác này.
Về thành tựu phát triển kinh tế, trong hơn 50 năm qua, tổng thương mại hàng hóa của các nước ASEAN với thế giới đã tăng từ 10 tỷ USD/năm lên mức 2.575 tỷ USD vào năm 2017. Tổng thương mại dịch vụ tăng từ mức 140 tỷ USD năm 1999 lên mức kỷ lục 681 tỷ USD năm 2016. Thương mại hàng hóa của ASEAN năm 2017 tăng ở mức 14,2% so năm trước, cao hơn mức tăng trưởng 11,6% của FDI. Trong đó, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 436,8 tỷ USD, chiếm 17,1%.
ASEAN đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài với dòng vốn FDI năm 2017 đạt 137 tỷ USD, tăng mạnh so mức 22 tỷ USD năm 2000. Ðầu tư nội khối ASEAN cũng tăng từ mức 5,6% lên 24,7% năm 2016. Lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ lệ thu hút FDI lớn nhất vào ASEAN, tăng từ 50,8% năm 1999 lên 80,8% năm 2016, tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và nông nghiệp. Ðầu tư FDI vào ASEAN chủ yếu có nguồn gốc từ các nước đối thoại như Liên hiệp châu Âu (EU) tăng 46% lên 30,5 tỷ USD, Nhật Bản tăng từ 7,9 tỷ USD năm 2015 lên 23,8 tỷ USD năm 2016, Trung Quốc tăng 44% lên 9,2 tỷ USD, Hàn Quốc tăng 3% lên 6 tỷ USD và Ô-xtrây-li-a tăng 77% lên 3,4 tỷ USD. Ðầu tư nội khối cũng tăng lên mức kỷ lục là 24 tỷ USD năm 2016, chiếm một phần tư dòng vốn FDI vào khu vực.
So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực Thương mại tự do ASEAN năm 1996 đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng xấp xỉ 7,7 lần, từ 5,91 tỷ USD năm 1996 lên 45,23 tỷ USD tại thời điểm tháng 11-2017, trong đó xuất khẩu hàng hóa của ta vào ASEAN tăng gần 12,4 lần, từ 1,6 tỷ USD năm 1996 lên 19,9 tỷ USD. Tính đến hết tháng 6-2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN là 28,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu 12,2 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu 15,9 tỷ USD. Ðến năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ ATIGA là 98%.
Năm 2018, Xin-ga-po là nước Chủ tịch ASEAN đã đề ra ưu tiên trong hợp tác ASEAN gồm: Hiệp định ASEAN về thương mại điện tử và hội nhập số; thành lập mạng lưới sáng tạo ASEAN; đưa vào vận hành cơ chế tự chứng nhận xuất xứ toàn ASEAN và cơ chế một cửa ASEAN; ký kết Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN; tăng cường hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN; tuyên bố ASEAN về du lịch hành trình trên biển; tăng cường hợp tác và thương mại về khí tự nhiên hóa lỏng trong ASEAN; ký Biên bản ghi nhớ với Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế; Xây dựng Quy tắc ứng xử về xây dựng xanh của ASEAN; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại của ASEAN.
Ðể thực hiện các mục tiêu nêu trên của ASEAN trong năm 2018 và cũng nhằm chuẩn bị cho năm 2020 khi Việt Nam là nước Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác triển khai Kế hoạch Hành động chiến lược AEC 2025 (SAP); thống nhất các nội dung còn vướng mắc trên cơ sở bảo đảm Hiệp định RCEP mang lại kết quả cân bằng về lợi ích, có tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển của tất cả các nước và đề nghị các nước đối tác của ASEAN điều chỉnh tham vọng xuống mức khả thi cho tất cả các bên nhằm kết thúc đàm phán hiệp định này trong năm 2018; phối hợp với các nước ASEAN tiếp tục rà soát, thực thi cam kết trong các FTA ASEAN+1, trong đó có việc rà soát Hiệp định AANZFTA giai đoạn hai và tích cực thực hiện các chương trình làm việc/hợp tác với các đối tác khác của ASEAN. Trong năm 2018, Việt Nam cũng sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 10 được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tại Xin-ga-po.
Theo số liệu của Bộ Công thương, trong thời điểm sáu tháng đầu năm 2018, mức độ tận dụng C/O ưu đãi trong xuất khẩu của các DN Việt Nam đối với các FTA ASEAN và ASEAN + ở mức độ trung bình với Trung Quốc (23%), Nhật Bản (29%), mức độ khá với Ô-xtrây-li-a - Niu Di-lân (30%), ASEAN (33%), Hàn Quốc (33%) và ở mức độ tốt với Ấn Ðộ (44%). Ở trong nước, các DN FDI và các tập đoàn lớn có xu hướng vận dụng ưu đãi tốt hơn DN Việt Nam, DN vừa và nhỏ. Xét từ góc độ ngành, các ngành dệt may, da giày, cơ khí, nông sản chế biến vận dụng ưu đãi tương đối tốt để xuất khẩu.
Quá trình hội nhập ASEAN của Việt Nam đã được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội của việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025 và bảo đảm Việt Nam có thể hội nhập một cách chủ động, tích cực và phù hợp lợi ích của cộng đồng DN trong quá trình cạnh tranh khu vực và quốc tế, khai thác tốt hơn các ưu đãi trong các FTA trong khuôn khổ ASEAN, các DN Việt Nam cần cải thiện năng lực cạnh tranh, tìm ra cơ cấu sản phẩm hợp lý và nâng cao nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các FTA. Các bộ, ngành trong hội nhập kinh tế ASEAN cần nâng cao hiệu quả công tác điều phối, phối hợp; cải tiến cơ chế tham gia các cuộc họp cấp kỹ thuật trong ASEAN để tiết kiệm nguồn lực và ngân sách; cũng như xác định chủ trương về vấn đề đối xử đặc biệt và khác biệt trong đàm phán các FTA trong giai đoạn từ năm 2018 trở đi.