Cân nhắc việc tăng giờ làm thêm

08:25, 07/09/2018

Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) về làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ mỗi năm (thay vì 300 giờ như quy định hiện hành). Việc sửa đổi này đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Theo khảo sát thực tế của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đời sống công nhân, lao động (CNLĐ) còn khó khăn. Một bộ phận không nhỏ NLĐ có nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập, góp phần trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, chủ sử dụng lao động muốn tăng giờ làm thêm để giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp (DN), chủ động trong sản xuất, kích thích phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động. Việc quy định tổng số giờ làm thêm tối đa mỗi năm 200 giờ và 300 giờ trong những trường hợp đặc biệt theo luật hiện nay là rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái-lan, Xin-ga-po. Do vậy, theo dự thảo mới của Bộ luật Lao động sửa đổi, người sử dụng lao động có thể huy động NLĐ làm thêm giờ, nhưng một ngày không quá bốn giờ và một năm không quá 400 giờ.

Một thực tế là, mức lương tối thiểu hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của NLĐ và gia đình, buộc NLĐ phải tăng ca để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ lao động (QHLĐ) đánh giá đó là sự lựa chọn bất đắc dĩ do NLĐ bị nhu cầu cuộc sống thúc ép. Việc tăng ca nhiều không chỉ ảnh hưởng sức khỏe do không có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, mà còn khiến NLĐ không còn thời gian quan tâm tới đời sống cá nhân. Với những người đã có gia đình, việc tăng ca khiến chất lượng cuộc sống của CNLĐ, nhất là CNLĐ tại các KCX-KCN bị giảm sút nghiêm trọng do không còn thời gian chăm sóc gia đình, con cái.

Nhiều công nhân đã lập gia đình cho biết, khi còn độc thân, việc tăng ca giúp họ có thêm thu nhập gửi về phụ giúp bố mẹ, người thân, tuy nhiên khi có gia đình, họ mong muốn về sớm chăm lo tổ ấm. Theo phân tích của các chuyên gia về QHLĐ, nhu cầu làm thêm chủ yếu rơi vào nhóm DN thâm dụng lao động (dệt may, giày da) do DN phụ thuộc lớn vào các đơn hàng. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, ngành may là điển hình của tình trạng tăng ca nhiều. Cụ thể, thời gian tăng ca trung bình từ 47 đến 60 giờ/tháng (quy định là 30 giờ/tháng). Tính trung bình, các DN đã cho NLĐ làm thêm giờ lên tới 500 giờ/năm, thậm chí 600 giờ/năm. Hiện nay, giờ làm thêm tối đa của NLĐ Việt Nam hiện ở mức chưa cao so với các quốc gia trong khu vực nhưng so với các nước phát triển là cao. Tuy nhiên, nếu tính cả giờ làm thêm và giờ làm việc chính thức, thì tổng quỹ thời gian làm việc của NLĐ Việt Nam lên đến 2.620 giờ/năm, một mức tương đối cao.

Nếu luật cho phép tăng ca, DN sẽ có cơ sở yêu cầu NLĐ làm thêm giờ dẫn tới ảnh hưởng chất lượng cuộc sống NLĐ. Do đó, phía tổ chức công đoàn cho rằng, chỉ nên giữ quy định giờ làm thêm ở mức đang triển khai. Trong trường hợp cần hoàn thành gấp các đơn hàng, DN cần thỏa thuận tăng ca với NLĐ. Nếu NLĐ đồng thuận, DN phải bảo đảm tiền lương làm thêm giờ của NLĐ được trả lũy tiến, chứ không phải trả đồng đều như cũ. Điều này giúp NLĐ được hưởng lợi và DN cần cân nhắc khi huy động NLĐ làm thêm giờ nhiều.