Tại buổi họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 28/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ không tăng giá điện trong 3 tháng cuối năm 2018 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, giá bán lẻ điện có thể sẽ được điều chỉnh trong năm 2019.
Cơ sở của việc xem xét điều chỉnh, theo ông Hải, do tổng chi phí bị "đội" lên năm 2018 và 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khoảng 20.735 tỷ đồng. "Với tổng chi phí tăng thêm này sẽ dẫn đến có thể phải xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ điện trong năm 2019 theo quy định tại Quyết định số 34/2017", ông Hải nói.
Năm 2019, ngành điện ước tính phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2018 là 3.516 tỷ, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ, giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng... Tổng chi phí đội lên năm 2019 sẽ là 15.252 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn khoản chênh lệch tỷ giá treo lại từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng.
Với xăng dầu, Phó thủ tướng yêu cầu liên bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá thế giới, sử dụng Quỹ bình ổn giá hợp lý trên cơ sở Nghị định 83/2014, để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI nói chung. Trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến và tỷ giá tăng cao, có thể sử dụng Quỹ bình ổn giá và ngừng trích lập quỹ. Các bộ cũng cần sớm nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng sinh học E5 RON 92.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đánh giá, trình Chính phủ kịch bản điều hành của năm 2019 với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4% và lưu ý đến 3 loại tác động là giá cả thị trường thế giới, điều hành của nhà nước và yếu tố thiên tai.