Theo báo cáo nhanh ngày 13/9 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hồi 10 giờ ngày 13/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Bắc Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 230km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70km tính từ tâm bão. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Chiều nay (13/9), bão sẽ đi vào khu vực phía Bắc của vịnh Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 13/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 40km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Về siêu bão gần Biển Đông (siêu bão MANGKHUT), hồi 10 giờ ngày 13/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 130,6 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Phi-líp-pin) khoảng 1000km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 10 giờ ngày 14/9, vị trí tâm siêu bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 126,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông khoảng 500km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17.
Cảnh báo, trong 3-5 ngày tiếp theo, bão MANGKHUT sẽ suy yếu dần khi đi vào gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) nhưng vẫn có cường độ rất mạnh và khả năng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17-18/9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 17-19/9.
Trước diễn biến của bão, theo báo cáo nhanh số 329/BC-CQTT ngày 13/9/2018 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h00 ngày 13/9, Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định đã phối hợp với địa phương gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.621 phương tiện/175.517 lao động và 11.719 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản biến diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Cụ thể: Hoạt động ở vùng biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam: 14.526 tàu/72.708 lao động; neo đậu tại bến: 30.095 tàu/102.809 lao động; 11.719 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thuỷ sản/14.748 lao động.
Theo báo cáo số 768/PCTT ngày 12/9/2018 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, 02h sáng ngày 12/9/2018 tàu cá TG–94444–TS/17 thuyền viên hoạt động khi thác thủy sản tại tọa độ 8038N – 107010E bị phá nước dẫn đến chìm tàu đã được tàu cá TG-02550-TS ứng cứu và đã đưa 17 thuyền viên vào bờ an toàn.
Về tình hình lũ trên sông Cửu Long, mực nước sông Cửu Long biến đổi chậm, mực nước cao nhất ngày 12/9 trên sông Tiền tại Tân Châu là 4,09m (trên báo động 2 là 0,09m), tại Châu Đốc là 3,71m (trên báo động 2 là 0,21m); mực nước lúc 7h00 ngày 13/9, trên sông Tiền tại Tân Châu 3,88m (dưới báo động 2 là 0,12m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,49m (dưới báo động 2 là 0,01m).
Dự báo, trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống chậm. Đến ngày 13/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,07m, trên báo động 2 là 0,07m; tại Châu Đốc ở mức 3,69m, trên báo động 2 là 0,19m, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long dao động ở mức báo động 2 - báo động 3, sau đó xuống chậm. Đến ngày 21/9, mực nước tại Tân Châu ở mức 3,97m, dưới báo động 2 là 0,03m; tại Châu Đốc ở mức 3,45m, dưới báo động 2 là 0,05m.
Để ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố và thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn đã có Công điện số 50/CĐ-TW hồi 10h30 ngày 11/9/2018 gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam và các Bộ chỉ đạo triển khai ứng phó với bão số 5. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 51/CĐ-TW hồi 11h30 ngày 12/9/2018 chỉ đạo Công ty Thủy điện Hòa Bình mở 01 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào hồi 13h00 ngày 12/9/2018. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có văn bản số 460/TWPCTT-VP ngày 12/9/2018 gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hạ du khi xả đáy hồ Hòa Bình. Bộ Y tế đã có Công điện số 948/CĐ-BYT ngày 11/9/2018 chỉ đạo các đơn vị triển khai công tác y tế trong ứng phó với bão số 5. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, lưu lượng về hồ Sơn La, Hòa Bình, lũ sông Cửu Long; chuyển các bản tin tới Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để chủ động các biện pháp ứng phó.
Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, nhất là đảm bảo các điều kiện để học sinh đến trường. Các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng có Công điện chỉ đạo ứng phó bão trên biển Đông gửi về Văn phòng thường trực. Các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, rà soát các phương án để chủ động phòng tránh; tăng cường công tác thông tin truyền thông về tình hình lũ, chỉ đạo từ các cơ quan chuyên môn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
Những công việc cần triển khai tiếp theo, đối với bão số 5 và siêu bão MANGKHUT, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc Công điện số 50/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố và thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5 và siêu bão MANGKHUT; thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền, tàu vận tải đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh và thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; đối với vùng núi phía Bắc, thông báo và hướng dãn chi tiết các biện pháp phòng, chống sạt lở và lũ quét và chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, tài sản và công trình phòng, chống thiên tai. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1127/CĐ-TTg ngày 31/8/2018; Công điện số 45/TWPCTT ngày 27/8/2018 về ứng phó với lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, học sinh, trẻ em khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ; khẩn trương thu hoạch lúa Hè Thu và bảo đảm an toàn cho diện tích lúa Thu Đông;
Các tỉnh An Giang và Kiên Giang tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó với việc vận hành xả lũ đập tràn Trà Sư, Tha La theo nội dung công văn số 438/TWPCTT-VP ngày 29/8/2018 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Đảm bảo an toàn hệ thống đê bao, bờ bao và chuẩn bị phương án xử lý sự cố giờ đầu. Tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện các sự cố sạt lở bờ sông, kênh rạch để cảnh báo, sơ tán người dân kịp thời./.