Sau tám tháng của năm 2018, ghi nhận những bước tăng trưởng khá mạnh về xuất khẩu nông sản nói chung, rau quả nói riêng của nhiều địa phương trong cả nước.
Với những giải pháp đồng bộ, 8 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đã có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2017; mặt hàng rau quả tiếp tục là điểm sáng trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả trong 8 tháng năm 2018 ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, tính riêng tháng 8/2018, giá trị rau quả xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 346 triệu USD.
Không chỉ tăng trưởng ở giá trị kinh tế, rau quả xuất khẩu của Việt Nam cũng tạo vị thế lớn khi có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường được coi là “khó tính”, đòi hỏi cao về chất lượng như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia châu Âu như: Đức, Hà Lan… Một trong những điểm đáng chú ý đó là mặt hàng rau quả của chúng ta đã có mặt tại nhiều thị trường mới như: Ô-xtrây-li-a hiện đã cho phép nhập khẩu vải thiều, nhãn; Niu Dilân mở cửa cho mặt hàng xoài và thanh long; Ấn Độ nhập khẩu thanh long, vú sữa và Chilê cho phép nhập khẩu mặt hàng thanh long… Xét trên bình diện thị trường, rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn đứng đầu, chiếm 74% thị phần và giá trị đạt 1,7 tỷ USD, tăng 12,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, cũng có một số thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Thái Lan tăng 38,6%; Hoa Kỳ tăng 19,3%; Hàn Quốc tăng 18,7%...
Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, những tín hiệu tích cực nói trên là kết quả của việc nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thị trường rau quả như: Trồng và thu hoạch rải vụ nhằm tránh đối đầu với các sản phẩm trái cây của Trung Quốc, Thái Lan; nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm bằng chứng nhận GAP; cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm bảo đảm chất lượng…
Tuy nhiên, tiếp cận từ góc độ nghiên cứu thị trường kinh tế, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, ngành rau quả Việt Nam vẫn còn phân tán, chưa được tổ chức hiệu quả và còn khá non trẻ trên các thị trường quốc tế đang ngày một gia tăng chính sách bảo hộ, các rào cản kỹ thuật cho những mặt hàng nông sản nói chung và rau quả nói riêng của Việt Nam. Đây là những nguyên nhân của việc rau quả Việt Nam chưa xâm nhập sâu được tại thị trường Liên minh Châu Âu (EU), nơi luôn tồn tại những đòi hỏi khắt khe về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...
Cùng với đó, hiện Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn về liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong việc bảo quản rau quả để xuất khẩu. Vì vậy theo các chuyên gia kinh tế, để xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu mặt hàng rau quả nói riêng, về lâu dài chúng ta cần xây dựng quan hệ đối tác ba chiều thật sự giữa doanh nghiệp, nông dân và Chính phủ ở cả cấp khu vực và cấp ngành với mục tiêu chung là xây dựng nhóm rau, trái cây công nghệ cao, có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, đa dạng hóa các sản phẩm rau quả; đồng thời, hướng vào các nhóm sản phẩm có thương hiệu thế mạnh, tiềm năng cạnh tranh và có quy mô lớn như: Thanh long, vú sữa, vải thiều… Từ đó tăng cường việc kết nối, mở rộng thị trường đầu ra quốc tế đa dạng, phong phú hơn. Giải quyết được những vấn đề này sẽ là “chìa khóa” để việc xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam thực sự có được tốc độ tăng trưởng bền vững, hiệu quả.
Nhìn lại những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu mặt hàng rau quả 8 tháng đầu năm 2018, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đưa ra dự báo năm nay giá trị xuất khẩu rau quả sẽ có khả năng vượt qua con số 4 tỷ USD. Để hiện thực hóa điều này, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả là phải đẩy mạnh việc phổ biến, tư vấn, đào tạo doanh nghiệp về áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của các thị trường nước ngoài; cùng với đó, khắc phục các tồn tại trong vấn đề an toàn thực phẩm, quy cách bao gói, nhãn hiệu… đối với mặt hàng rau quả. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc hình thành các chuối liên kết trong sản xuất, thu hoạch; chú trọng hơn tới việc ứng dụng công nghệ, quy trình canh tác, lựa chọn mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là quy trình bảo quản sau thu hoạch…
Với những giải pháp đồng bộ, nhất là việc nghiên cứu đòi hỏi thực tế của các thị trường tiêu thụ tiềm năng, tin tưởng hoạt động xuất khẩu nông sản nói, chung, xuất khẩu mặt hàng rau quả nói riêng sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng tích cực; góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước và nâng cao đời sống của người sản xuất./.