Vấn đề nhập khẩu phế liệu (nhựa, thép, giấy,…) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hàng nghìn công-ten-nơ hàng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển, làm dấy lên lo ngại Việt Nam có thể trở thành “bãi rác” của khu vực và thế giới.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, người phát ngôn của Chính phủ nêu rõ: Đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ hết sức quan tâm, giao nhiều bộ, ngành xem xét, đánh giá để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và khách quan. Theo quan điểm của Chính phủ, hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam với mục đích làm nguyên liệu sản xuất, các lô hàng phế liệu do doanh nghiệp nhập về phục vụ sản xuất các sản phẩm nhựa, thép, giấy,... là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, do bất cập trong quản lý, đã xảy ra tình trạng nhiều lô hàng công-ten-nơ “vô chủ” tồn đọng tại cảng, gây bức xúc trong xã hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) có chức năng quản lý các vấn đề như giám định thư, giấy phép nhập khẩu, quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá thế nào là phế liệu nhưng chưa xác định rõ, quy chuẩn hướng dẫn được ban hành thiếu tính thực tiễn, còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Về góc độ quản lý nhà nước, cần phải nghiêm túc xem xét lại vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp các bộ và địa phương liên quan tiến hành thanh tra toàn diện nhằm đánh giá chính xác, báo cáo Chính phủ phương án giải quyết, xử lý triệt để, đồng thời rà soát kỹ các trường hợp lợi dụng danh nghĩa công ty để nhập khẩu với mục đích thương mại hóa.
Ngành nhựa được Chính phủ xác định là một trong 10 ngành kinh tế trọng điểm của nước ta, là một trong những ngành năng động và tăng trưởng cao. Trong 10 năm qua, mặc dù ngành nhựa tăng trưởng từ 15-20%/năm nhưng nước ta vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất. Theo Bộ Công thương, năm 2017, ngành nhựa đã nhập khẩu 4,9 triệu tấn hạt nhựa, tổng kim ngạch nhập khẩu hạt nhựa và sản phẩm nhựa lên tới 12,68 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD, chênh lệch cán cân thương mại của ngành nhựa với hơn 10 tỷ USD mỗi năm là một câu hỏi lớn. Lợi ích thu được về mặt kinh tế khi tận dụng nhựa phế liệu nhập khẩu để tái sinh, sau đó đưa vào sản xuất sản phẩm nhựa, kéo dài vòng đời của nguyên liệu nhựa là điều tất cả các nước trên thế giới hướng tới (Mỹ và các nước châu Âu là những quốc gia nhập khẩu nhựa phế liệu lớn nhất hiện nay). Giá thành của thành phẩm nhựa tái sinh thấp hơn khoảng 30 - 40% so hạt nhựa nguyên sinh cùng loại.
Nước ta không có thế mạnh sản xuất hạt nhựa nguyên sinh từ dầu mỏ, việc nhập khẩu nhựa phế liệu để sản xuất hạt nhựa tái sinh được coi là giải pháp hiệu quả cho bài toán nguyên liệu. Hiện nay, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 3,6 triệu tấn nhựa/năm và đang tăng nhanh ở mức 20%/năm. Một lượng lớn nhựa phát sinh trong sinh hoạt và tiêu dùng cần phải được tái chế. Nếu không có các doanh nghiệp tái chế lớn, với công nghệ hiện đại, lượng phế liệu này sẽ dồn về làng nghề tái chế thủ công, sẽ dẫn tới nguy cơ ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Trước các vấn đề thực tiễn đặt ra, các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần khẩn trương tiến hành xác minh, sớm có giải pháp và hướng xử lý bảo đảm phát triển sản xuất cũng như ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm có thể xảy ra. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đủ năng lực có nhu cầu nhập khẩu phế liệu để sản xuất vẫn phải được cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục cấp phép nhằm duy trì hoạt động bình thường. Thời điểm này chính là lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá chính xác, toàn diện để vừa siết chặt quản lý, vừa tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp nhựa tái chế đủ kinh nghiệm, năng lực, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy có công nghệ tái chế tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu về môi trường. Nếu có chính sách hợp lý, chắc chắn trong tương lai gần, nước ta sẽ có khả năng sản xuất được sản phẩm nhựa kỹ thuật cao, ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước lớn mạnh.