Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn cao điểm của bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng với số ca bệnh gia tăng mạnh trong những tuần gần đây. Đặc biệt đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do mắc tay chân miệng.
Ngày 26/9, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm tới nay, toàn Thành phố có khoảng 3.193 ca tay chân miệng. Đây là thời điểm bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh, nếu không kiểm soát ca bệnh ngoại trú thì nguy cơ lây lan cho cộng đồng là không tránh khỏi.
Tương tự, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 12.282 ca sốt xuất huyết. Kết quả giám sát dịch tễ trong 8 tuần gần đây cho thấy, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện hàng tuần có khuynh hướng tương đương năm 2017. Tuy nhiên, trong thời tiết mưa vẫn tiếp tục xảy ra vào mỗi chiều là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết có thể lây lan và xuất hiện nhiều trong thời gian tới.
Không chỉ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, một số tỉnh khu vực phía Nam như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… số ca bệnh liên quan đến sốt xuất huyết, tay chân miệng nên số ca bệnh chuyển đến các bệnh viện nhi tuyến cuối tại TP.Hồ Chí Minh cũng đang có xu hướng gia tăng.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1, nếu như trong các tháng trước đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện có khoảng 20 – 30 em bé nằm viện điều trị bệnh tay chân miệng; thì vào tháng 9/2018, có khoảng từ 180 – 200 bé phải nằm viện điều trị, trong đó số ca nặng chiếm tới 25 – 30 ca.
Ngày 26/9, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Bệnh nhi tay chân miệng mới chỉ tăng đột biến khoảng 3 tuần nay. Đỉnh điểm là ngày 24/9, khoa Nhiễm điều trị cho 222 bé mắc. Ngay trong ngày 26/9, tại khoa đang có 179 ca, trong đó có 25 – 30 ca nặng phải theo dõi rất sát. Lượng bệnh nhân nhập viện, nhất là các ca nặng vẫn đang tiếp tục tăng. Đã có 10 trẻ phải thở máy và 4-5 trẻ phải lọc máu”.
Theo bác sĩ Khanh, những năm trước điều tra dịch tễ cho thấy số trẻ mắc tay chân miệng do vi rút Ev71 rất thấp, nhưng gần đây, hơn 50% trẻ mắc vi rút Ev71. Đặc tính của loại vi rút này là lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao, vì thế số bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng. Trẻ mắc tay chân miệng do vi rút Ev71 có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có 1 ca tử vong do bệnh tay chân miệng.
Tương tự, tại Nhi đồng 2, số ca đến khám và nhập viện điều trị liên quan đến bệnh tay chân miệng cũng đang tăng nhanh trong những tuần trở lại đây. Nếu như tháng 8/2018 có khoảng 4.511 trẻ tới khám tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tăng gấp đôi so với tháng trước đó, thì từ đầu tháng 9 đến nay bệnh viện này đã tiếp nhận gần 7.000 lượt bệnh nhi khám bệnh tay chân miệng và 664 lượt bệnh nhi phải nhập viện.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo phụ huynh nên theo dõi các dấu hiệu của con để phát hiện bệnh và đưa đi khám kịp thời. “Nếu trẻ có các triệu chứng như sốt cao khó hạ kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói nhiều thì phải đưa trẻ đi khám. Một dấu hiệu khác của bệnh tay chân miệng mà các bậc cha mẹ ít để ý, đó là trẻ giật mình trong lúc thiu thiu ngủ. Nếu thấy trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao khó hạ trên 2 ngày thì phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế. Đồng thời, các bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện địa phương đã có phác đồ, có đủ nhân lực cũng như thiết bị để điều trị bệnh này nên bệnh nhân không cần phải chuyển hết về bệnh viện tuyến cuối”, bác sĩ Khanh lưu ý.
Để đề phòng bệnh tay chân miệng, Sở Y tế cũng vừa chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát tại các nhà trẻ, nhóm trẻ, tăng cường truyền thông hướng dẫn các biện pháp kiểm soát bệnh trong trường lớp, nhất là ở nhóm trẻ, trường mẫu giáo.
Cũng theo Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố, 2 bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết là 2 bệnh truyền nhiễm lưu hành tại TP.Hồ Chí Minh, cả hai bệnh đều chưa có vắc xin dự phòng, việc phòng bệnh cho bản thân và trẻ em trong gia đình phụ thuộc phần lớn vào ý thức tự giác của mỗi người. Để chủ động phòng bệnh, mọi người cần không tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng trong nhà và xung quanh nhà để phòng chống sốt xuất huyết; dành 15 phút mỗi tuần 1 lần để dọn dẹp các dụng cụ, vật dụng chứa nước hoặc có thể chứa nước; loại bỏ, xử lý các ổ lăng quăng. Sử dụng các biện pháp diệt muỗi, kem xua muỗi, ngủ màn để không bị muỗi đốt.
Đối với bệnh tay chân miệng, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng cho bản thân và cho trẻ nhỏ. Thường xuyên vệ sinh nơi trẻ sinh hoạt vui chơi, dụng cụ vui chơi của trẻ bằng nước sạch, xà phòng và nước khử khuẩn (Javel hoặc Cloramine B)./.