Việt Nam từng có rất nhiều các thương hiệu mạnh, chứa đựng cả giấc mơ và một trời ký ức của nhiều thế hệ người tiêu dùng như cao Sao Vàng, xe đạp Thống Nhất, kem Thủy Tạ, xà bông Cô Ba, giầy Thượng Đình… Giờ một số đã khuất bóng, nhưng cũng có thương hiệu đang mạnh mẽ trở lại “đường đua”, để viết tiếp câu chuyện về thương hiệu của mình.
Mạnh mẽ thay đổi
Cách đây khoảng 20 năm, thương hiệu Biti’s đã trở thành niềm mơ ước của không ít học sinh, sinh viên. Đẹp, nhẹ và siêu bền, những đôi xăng đan, giày của Biti’s chính là sản phẩm mà ai cũng muốn sở hữu. Đặc biệt, slogan quen thuộc: “Bước chân Tây Sơn thần tốc; Bước chân vượt dãy Trường Sơn; Bước chân tiến vào thiên niên kỷ mới” hay “Nâng niu bàn chân Việt” đã trở thành dấu ấn không thể nào quên khi nhắc đến thương hiệu này.
Tuy nhiên, đến năm 2000, khi hàng loạt các thương hiệu giày nước ngoài tràn vào Việt Nam như Nike, Adidas, Vans, Reebook, New Balance, Kappa… một thời gian dài, thương hiệu Biti’s gần như bị lãng quên. Bởi lẽ, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều phân khúc khác nhau, các sản phẩm ngoại nhập còn rất đa dạng về mẫu mã. Trong khi đó, sau một thời gian dài không có sự chuyển biến một cách căn bản về mẫu mã, phương thức tiếp thị, các sản phẩm Biti’s không còn là lựa chọn của nhiều người tiêu dùng.
Những tưởng Biti’s chỉ còn là sản phẩm “vang bóng một thời” thì chỉ hai năm gần đây, thương hiệu giày Việt này đã có sự quay trở lại không thể ấn tượng hơn. Sau những nỗ lực thay đổi tư duy, chiến lược kinh doanh, mẫu mã và chất lượng sản phẩm, với định hướng tập trung vào phân khúc khách hàng trẻ, Biti's tận dụng tốt sức mạnh của truyền thông khi bắt tay với hàng loạt các tên tuổi đang được ưa chuộng như Sơn Tùng MTP, Soobin Hoàng Sơn, Bích Phương, Hà Anh Tuấn… Chiến lược marketing đánh trúng vào tâm lý khách hàng trẻ khi xuất hiện liên tục trong các video ca nhạc được ưa chuộng đã đưa Biti’s quay trở lại thời kỳ hoàng kim, được hàng triệu bạn trẻ Việt Nam và người tiêu dùng chờ đợi.
Đặc biệt, trong mùa World Cup 2018, Biti’s đã cho ra đời hai phiên bản hợp tác quốc tế đặc biệt, bao gồm phiên bản Messi - một trong những cầu thủ xuất sắc nhất mọi thời đại và phiên bản Xuân Trường - đại diện cho thế hệ trẻ đầy đam mê và tài năng Việt Nam. Chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, marketing thông minh, Biti’s hiện nay đã trở thành cái tên đáng gờm trên thị trường giày dép và có đủ sức cạnh tranh với các tên tuổi lớn thế giới ở thị trường nội địa.
Cũng là một sản phẩm đã gắn bó với người tiêu dùng Việt đến 45 năm, trải qua rất nhiều biến động của thị trường, sự thăng trầm của nhiều thương hiệu cùng thời, bóng đèn Điện Quang hiện vẫn giữ vững vị thế trên thị trường. Có được kết quả này là điều không hề đơn giản mà đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ. Bằng nhiều phương cách như cổ phần hóa, lên sàn thị trường chứng khoán, vừa để minh bạch vừa giúp huy động, tìm kiếm thêm nguồn vốn đầu tư, Điện Quang còn áp dụng đón đầu các công nghệ của cuộc các mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất… Đặc biệt, không chỉ tập trung cho một sản phẩm, Điện Quang còn thử sức mình ở rất nhiều sản phẩm đặc trưng như bóng đèn dành riêng cho nông nghiệp, bóng đèn Led trang trí… với kiểu dáng liên tục được đổi mới và giá cả cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại. Do đó, trên thị trường thiết bị điện, Điện Quang vẫn là sản phẩm được ưa chuộng hàng đầu. Câu slogan “Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang” từ gần nửa thế kỷ trước đến giờ vẫn ghi sâu trong tiềm thức người tiêu dùng.
Biti’s và Điện Quang là hai cái tên tiêu biểu cho nỗ lực của các thương hiệu Việt trong việc quay lại hoặc bền bỉ chinh phục nhiều thế hệ người tiêu dùng Việt Nam. Trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng, năng lực cạnh tranh vượt trội và thương hiệu là yếu tố quyết định thành công của DN trên thị trường. Giữ gìn và phát huy được những giá trị thương hiệu vốn có chính là giải pháp giúp các DN giữ chân người tiêu dùng.
“Bắt tay” tạo sức mạnh
Thương hiệu và sức cạnh tranh là yếu tố quyết định thành công của DN. Tuy nhiên đối diện với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thương hiệu nước ngoài, các DN Việt Nam đã và đang buộc phải chuyển mình mạnh mẽ để không bị bỏ lại phía sau. Trong đó, ngoài việc chủ động thay đổi, hợp tác với các DN khác để nâng cao sức cạnh tranh là một trong những giải pháp được lựa chọn.
Đơn cử, mới đây, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ký kết chương trình hợp tác chiến lược với mục tiêu cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng quốc tế cho khách hàng toàn cầu và cùng phát triển thương hiệu quốc gia vươn tầm thế giới. Hay Công ty Hoàng Anh Gia Lai và Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) đã hợp tác với mục tiêu xây dựng và phát triển Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai sớm trở thành tập đoàn nông nghiệp có quy mô lớn.
Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, hỗ trợ cho DN xây dựng và giữ gìn thương hiệu, Chương trình Thương hiệu Quốc gia vẫn đang được Bộ Công thương triển khai mạnh mẽ. Thông qua chương trình, nhận thức của các DN về vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu đã được nâng cao rõ rệt. Các DN đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của DN, từ đó có bước đi đúng hướng trong việc xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và khẳng định vị trí trên thị trường trong nước. Đến nay, thông qua chương trình Thương hiệu Quốc gia, rất nhiều thương hiệu vẫn giữ vững được sức “nóng” trên thị trường như Vinamilk, Trung Nguyên, TH Milk, Sabeco… Bộ Công thương cũng không chỉ hỗ trợ xây dựng mà còn bằng mọi cách bảo vệ sự phát triển của các DN, các thương hiệu Việt.
Xây dựng và gìn giữ thương hiệu Việt không là trách nhiệm của riêng ai, mà là trách nhiệm chung của cả Nhà nước, nhà khoa học và các DN. Bởi xét cho cùng, thương hiệu không chỉ là câu chuyện lợi nhuận của DN, mà còn là bộ mặt của cả một quốc gia, dân tộc. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng đang tràn vào nước ta khi thị trường mở cửa theo các cam kết hội nhập.