Chiều 26/10, tại phiên thảo luận phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã có giải trình thêm trước Quốc hội và cử tri nhiều vấn đề “nóng” của giáo dục như: tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia; chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới...
Rà soát lại toàn bộ quy trình về thi và quy trình chấm thi
Về kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình: “Chúng tôi thực hiện chủ trương Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; trong đó quy định rõ phải tiến tới đổi mới tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp phổ thông theo hướng giảm áp lực và ít tốn kém cho xã hội, trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực học sinh và làm cơ sở để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Chính phủ cũng có Nghị quyết 44/NQ-CP, tiến tới một kỳ thi đáp ứng được nhiệm vụ này".
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, vì thi gắn với quá trình đổi mới chương trình, SGK theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, do vậy lộ trình đặt ra là 6 năm, từ 2015 đến 2020 theo hướng một kỳ thi trước hết nhằm đánh giá được năng lực của học sinh tốt nghiệp THPT; sau đó làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
“Đây là kỳ thi chúng tôi cân nhắc rất nhiều trong các phương án” – Bộ trưởng nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, công tác chuẩn bị đề thi, câu hỏi chuẩn hóa và đề thi là vô cùng quan trọng, Bộ GD&ĐT đã rất cố gắng, sau từng năm đều có cải thiện, nâng cao, tốt hơn. Khâu bảo mật đề thi bằng công nghệ phần mềm cũng chú trọng đến. Cùng với đó là khâu tổ chức chấm thi, công tác thanh tra và các công tác khác.
Qua các năm, nhìn lại, mục tiêu đặt ra là giảm áp lực, đỡ tốn kém cho xã hội được chứng minh tương đối rõ, được xã hội, phụ huynh, học sinh đón nhận. Về khách quan trung thực, việc đổi mới theo hình thức thi trắc nghiệm đã làm giảm rất nhiều hiện tượng quay cóp.
Nhắc lại kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ trưởng nói: “Khi phát hiện sai phạm, chúng tôi báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo, cùng với Bộ Công an làm ngay và quan điểm rõ ràng là phải làm đến nơi đến chốn, nghiêm minh. Đối tượng nào sai đến đâu xử đến đấy. Hiện nay đã phát hiện và chính thức xử được 11 người theo đúng quy phạm pháp luật. Tinh thần là phát hiện sai thì phải sửa và sửa nghiêm, sửa đúng theo quy chế. Bộ và cá nhân tôi là Bộ trưởng kiên quyết chống tiêu cực theo hướng đó”.
Cũng theo Bộ trưởng, trong quá trình xử lý, Thủ tướng chỉ đạo và Bộ GD&ĐT đã làm ngay là rà soát lại toàn bộ quy trình về thi và quy trình chấm thi. Xét thấy, quy trình thì đầy đủ, nhưng một số khâu, đặc biệt là khâu chuẩn bị câu hỏi chuẩn hóa và ra bài thi cần tốt hơn. Dù đã lường trước quá trình đổi mới, nhưng đây là vấn đề khó và cần có thời gian, phải có bổ sung thêm. Kinh nghiệm quốc tế cũng vậy, không phải ngay một lúc mà có ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa tốt cũng như bài thi. “Chúng tôi đang khắc phục điều này và tới đây sẽ làm tốt hơn nhiều” – Bộ trưởng khẳng định.
Về sơ hở trong phần mềm chấm thi, Bộ trưởng cho biết đã xử lý và có họp toàn bộ Giám đốc Sở GD&ĐT bàn thật nghiêm vấn đề này. Ngay trong Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức để rõ và rút kinh nghiệm cho kỳ sau.
Đối với địa phương, theo Bộ trưởng, Thủ tướng cũng chỉ đạo rất rõ, phê bình và kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức cá nhân; yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý theo quy định.
Bộ trưởng khẳng định: “Mục tiêu chủ yếu của kỳ thi là để đánh giá tốt nghiệp THPT, làm sao học sinh học xong 12 năm phải có đánh giá, nếu không đánh giá thì chất lượng đi xuống, nói như trong khoa học giáo dục là “học gì thi nấy”; thứ 2, thi cũng là một cơ sở đánh giá, điều chỉnh lại nội dung chương trình. Do vậy, duy trì thi là rất cần thiết và các nước cũng vậy”.
Đối với tuyển sinh ĐH, Luật Giáo dục ĐH giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Thực tế mấy năm vừa rồi, các trường ĐH, CĐ chủ yếu sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Năm 2018 cũng khắc phục được tình trạng điểm đầu vào sư phạm thấp với mức sàn quy định với ĐH là 17 điểm và CĐ là 15 điểm.
Khẳng định phải kiên định định hướng đổi mới, Bộ trưởng cho biết đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ổn định kỳ thi với những khắc phục cần thiết. Mục tiêu ra đề thi bám sát vào trình độ, kiến thức phổ thông, trong đó có phân hóa mức độ cần thiết, các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng để xét tuyển đầu vào. Như vậy là đảm bảo mục tiêu đúng theo tinh thần của Nghị quyết 29, cũng là từ thực tiễn các trường ĐH đến nay phần lớn chưa thể tổ chức thi riêng.
“Nếu để các trường, đặc biệt các trường yếu, tự chủ tuyển sinh mà không có cơ sở thì chất lượng đầu vào ồ ạt và đầu ra rất kém. Chúng tôi phải giải quyết một bài toán hài hòa các đối tượng làm sao tốt nhất trong điều kiện có thể” – Bộ trưởng cho hay.
Thiết kế chương trình có 80% là khung thống nhất toàn quốc
Về chương trình, SGK, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002 – 2003, trong đó có 1 bộ SGK được sử dụng trong cả nước và giao cho Bộ GD&ĐT biên soạn. Bộ đã giao việc biên soạn, in ấn, phát hành cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Bộ sách đã giúp cho giáo viên từ các vùng khác nhau, trình độ khác nhau cũng có thể dạy ổn định. Tuy nhiên, việc chỉ có một bộ sách cũng có nhiều bất cập. Vì duy nhất một bộ sách cho nên rất nhiều thầy cô phụ thuộc vào SGK, dập khuôn máy móc trong quá trình giảng dạy.
Thêm nữa, vì SGK hiện hành chưa khai thác được trí tuệ của rất nhiều tập thể, tầng lớp nhân dân, trí thức nên Quốc hội thống nhất khi đổi mới chương trình cần có nhiều bộ SGK để khắc phục bất cập.
Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để thể hiện các phương pháp dạy học tích cực, tăng tính tương tác giữa người học và sách. Theo đó, trong SGK có thiết kế các thí nghiệm kèm theo bảng các đại lượng cần đo (bảng trống chưa điền số liệu) nhằm hướng dẫn học sinh cách tiến hành thí nghiệm; các bài tập đa dạng về hình thức (trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi, tô màu,…) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy, hướng dẫn học sinh tự học, làm quen với các dạng bài tập khác nhau (đặc biệt là vào thời điểm đó nước ta mới bước đầu tiếp cận với các dạng bài tập trắc nghiệm). Đây là xu thế đổi mới phương pháp dạy học và biên soạn SGK ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Bộ trưởng cho rằng, tới đây, khi thực hiện 1 Chương trình, nhiều bộ SGK sẽ có thể có tình trạng chất lượng các bộ sách không đồng đều do trình độ khác nhau giữa các nhà xuất bản. Giáo viên các vùng miền dạy sẽ khác nhau. Cho nên, Nghị quyết 88 đã quyết định giao cho Bộ GD&ĐT chủ động xây dựng 1 bộ sách, sau đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện cùng tham gia.
Theo Bộ trưởng, ở đây mỗi phương án có điểm hợp lý và chưa hợp lý. Nhưng đổi mới lần này chúng ta có cách tiếp cận rất căn bản. Trước kia đổi mới từ SGK, bây giờ xây dựng Chương trình, dựa vào Chương trình tổng thể và Chương trình các môn học, sau đó mới viết SGK. Như vậy, SGK là tài liệu quan trọng để thể hiện phương án mục tiêu giáo dục. Bên cạnh đó cho phép sử dụng một số học liệu khác theo phương thức quốc tế.
Thiết kế chương trình có 80% là khung thống nhất toàn quốc còn 20% là đặc điểm vùng miền, địa phương, qua đó tạo ra sự linh hoạt mà vẫn tiếp cận được với quốc tế.
“Cùng với việc hướng dẫn chào cờ, hát quốc ca, vệ sinh và rất nhiều công việc khác,... Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn cô – trò để hạn chế chứ không phải cấm viết vào SGK, tuy nhiên thực hiện chưa được triệt để. Tới đây khi ban hành chương trình SGK phổ thông mới sẽ khắc phục được hạn chế như hiện nay” – Bộ trưởng khẳng định./.