Mặc dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất lợi nhưng kết thúc ba quý đầu năm 2018, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng và đạt những thành tựu quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu Quốc hội giao. Ðáng chú ý, chất lượng tăng trưởng đã nhìn thấy xu hướng được cải thiện, mô hình tăng trưởng dịch chuyển dần sang chiều sâu.
Nhiều chỉ tiêu đã về đích
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KHÐT) Trần Quốc Phương, cho biết, với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của chín tháng, có thể dự báo cả năm sẽ hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu được Quốc hội giao. Trong đó, dự kiến có tám chỉ tiêu vượt và bốn chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm như kế hoạch đề ra. GDP năm 2018 ước đạt 6,7%, thậm chí có thể đạt cao hơn, nếu nỗ lực trong những tháng cuối năm.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố, chín tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong tám năm qua. Trong các trụ cột của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%. Khu vực dịch vụ tăng 6,89%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2016. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chín tháng lên tới gần 179 tỷ USD, tăng 15,4% và đã có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD.
Diễn biến đáng chú ý của tăng trưởng kinh tế chín tháng qua là giữ được đà tăng trưởng cao, chất lượng tăng trưởng ngày càng cải thiện. Phó Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia Dương Mạnh Hùng, phân tích: chất lượng tăng trưởng có xu hướng được cải thiện, thể hiện qua đóng góp của các nhân tố tổng hợp và năng suất lao động vào GDP ngày càng tăng. Với dự báo tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,7%, tỷ lệ đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GDP khoảng 40,23%, đóng góp của vốn khoảng 50% và của lao động khoảng 9,77%. Tính chung cả giai đoạn 2016-2018, đóng góp của TFP vào GDP là 42,18%, cao hơn gần 10 điểm phần trăm so với giai đoạn 2011 - 2015 và cao hơn so với mục tiêu 5 năm là 30 đến 35%. Ðiều này cho thấy, đóng góp của yếu tố khoa học công nghệ, quản lý được cải thiện đáng kể.
Gia tăng mối lo từ chiến tranh thương mại
Ðề cập đến khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong những tháng còn lại và cả năm 2019, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh: Nền kinh tế Việt Nam có độ mở tăng nhanh nên dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những biến động kinh tế thế giới. Ðộ mở của nền kinh tế năm 2016 là 199,7%, năm 2017 tăng lên 215,9% và hiện tại đã là 229,5%. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng gia tăng, chúng ta sẽ bị áp lực lớn trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, lạm phát trong nước.
Ðối với hoạt động xuất khẩu, trong dài hạn không loại trừ khả năng Việt Nam bị áp đặt rào cản thuế và kỹ thuật nếu chính sách này được Mỹ mở rộng cho nhiều chủng loại hàng hóa nhập khẩu. Nguy cơ hiện hữu khác là rủi ro gian lận thương mại khi hàng hóa các nước khác "mượn" xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ. Sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc có thể kéo theo dòng vốn có công nghệ lạc hậu, quy mô dự án nhỏ tràn vào Việt Nam. "Cần nhận diện được nguy cơ này và đã đến lúc phải sàng lọc đầu tư nước ngoài để hạn chế tác động tiêu cực đến Việt Nam. Ðể không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần đổi mới phương thức thu hút FDI, tập trung vào các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, các nước nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam", Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Trong bản cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh giảm tăng trưởng của Việt Nam từ mức dự báo GDP tăng 7,1% đưa ra hồi đầu năm xuống còn 6,9%. ADB khuyến nghị để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần quan tâm tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đồng bộ hóa việc cải cách, tăng tính liên kết giữa các bộ, ngành; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hạ tầng và đa dạng hóa thị trường.
Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ KHÐT với các địa phương vừa diễn ra, lãnh đạo một số địa phương sốt ruột trước tình trạng chậm giao vốn và chậm giải ngân vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến tăng trưởng GRDP (tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn). TCTK đánh giá đến hết năm có thể đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 95% đến 98% kế hoạch, sẽ hỗ trợ tăng trưởng nếu các bộ, ngành, địa phương có giải pháp khơi thông vốn. Ðó là tập trung vào các dự án lớn, dự án quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia và chỉ đạo nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.
Mặc dù lạm phát có khả năng kiềm chế ở mức dưới 4% song tính chung chín tháng, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng tổng cộng 3,2%. Các chuyên gia khuyến cáo: Theo quy luật, giá cả sẽ tăng nhiều vào cuối năm. Với tám lần tăng giá và ba lần giảm giá từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng dầu đã khiến CPI tăng tổng cộng 0,69%. Do đó, cần hết sức thận trọng và tính toán các kịch bản ứng phó để có giải pháp bình ổn giá cả thị trường, nhất là xăng dầu, dịch vụ công.
Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, số doanh nghiệp thành lập mới và giải ngân vốn đều tăng rất tốt. Ðiều này cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện, tạo điều kiện để huy động các nguồn lực từ kinh tế tư nhân, phù hợp với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Khu vực kinh tế này chắc chắn sẽ được khai thông nhiều nguồn lực hơn nữa và trở thành một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.