Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong CMCN 4.0, tuy nhiên để thực sự bắt nhịp, doanh nghiệp Việt cần trải qua cuộc "thay máu" khốc liệt.
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là quá trình chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Quá trình này đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, tác động rất lớn đến hoạt động, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, các tổ chức và cả chính phủ, trong đó có Việt Nam.
Ông Idris Jala, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Toàn cầu Pemandu, cho rằng, “cơn bão” CMCN 4.0 đã phần nào làm biến đổi sâu sắc trên tất cả phương diện, từ những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới đến cách chúng ta làm việc, tiếp cận thông tin, giao tiếp hay cách quan sát thế giới. Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, cuộc CMCN 4.0 vẫn đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức lớn lao trong mọi ngành nghề.
"Trong bối cảnh hiện nay, 7/10 công ty lớn nhất thế giới là các công ty công nghệ, do đó, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng cần gia nhập làn sóng ứng dụng công nghệ thông tin. Đứng trước những thay đổi chóng mặt của CMCN 4.0, đòi hỏi chính phủ, các trung tâm nghiên cứu và cơ sở giáo dục tại Việt Nam phải nâng cao nhận thức, sẵn sàng thay đổi và có chiến lược phù hợp", ông Idris Jala nhận định.
CMCN 4.0 đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới thông qua chuyển đổi số. Trong CMCN 4.0, doanh nghiệp chia ra làm 2 loại hình: doanh nghiệp thuần túy số hóa và doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi số để tăng khả năng cạnh tranh, phát triển.
Ví dụ một số doanh nghiệp thuần túy số như Grab, Uber họ không sở hữu bất cứ tài sản vật lý như ô tô, lái xe... nào nhưng họ nắm trong tay cả hệ thống vận tải hùng hậu ở quy mô toàn thế giới...
Loại hình còn lại là doanh nghiệp truyền thống ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để vươn lên tầm cao mới. Thị trường hiện đang xuất hiện những "tay chơi" mới về công nghệ số trong ngành tài chính (những công ty fintech), ngành giáo dục (doanh nghiệp edutech), ngành nông nghiệp (agritech) hay ngành y tế (meditech)...
Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty Hệ thống thông tin FPT, trong CMCN 4.0, công nghệ số trở thành nền tảng cốt lõi của doanh nghiệp, từ đó tạo thành chuỗi giá trị có quy luật hoàn toàn khác.
"Chuyển đổi số có thể nói là quá trình "thay máu" doanh nghiệp. Đó không phải sự ứng dụng công nghệ số để lớn lên như gà con lớn thành gà trống mà là quá trình chuyển đổi số như con sâu biến thành con bướm. Doanh nghiệp buộc phải thay đổi từ mô hình kinh doanh, tư duy quản trị, cách vận hành doanh nghiệp cũng như kỹ năng, lực lượng lao động...", ông Phan Thanh Sơn phân tích.
Doanh nghiệp Việt hiện mới tham gia vào chuỗi giá trị cũ không được số hóa, tuy nhiên dây chuyền đó sẽ không tồn tại mãi mãi. Trên thế giới đã song song hình thành chuỗi giá trị thứ hai được số hóa mà nó sẽ đào thải chuỗi giá trị thứ nhất.
Ông Phan Thanh Sơn nhận định, khi chuỗi giá trị số hóa trên thế giới được hoàn thành, nếu doanh nghiệp Việt không bắt nhịp được chuỗi giá trị này sẽ khiến doanh nghiệp khó có thể tồn tại chứ chưa nói đến phát triển trong "cuộc chơi mới". CMCN 4.0 đang thúc đẩy việc này một cách nhanh chóng và mức độ ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu chứ không khu biệt riêng.
CMCN 4.0 không phải cuộc chơi cho những người đi chậm, chờ xu hướng định hình để sao chép, bắt chước mà là cuộc chơi dành cho người bắt nhịp làm luôn dù có thể thất bại sớm, nhưng từ đó có kinh nghiệm để đạt thành công trong tương lai, ông Phan Thanh Sơn nhấn mạnh.
PGS-TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học quốc gia Singapore), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cho hay, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để nắm bắt CMCN 4.0 do đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đông đảo, nhiều doanh nhân trẻ, có trình độ công nghệ tốt và khát khao khám phá. Đặc biệt, Chính phủ rất coi trọng phát triển DNNVV, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và CMCN 4.0.
Theo PGS-TS Vũ Minh Khương, để phát triển ở một trình độ cao hơn, điều đầu tiên phải thay đổi bản thân, thay đổi nhận thức. Nhất là đối với doanh nghiệp, thay vì nghĩ rằng cố gắng để không bị nhấn chìm bởi CMCN 4.0, hãy nghĩ rằng đó là cơ hội để doanh nghiệp giàu hơn, mạnh hơn.
"Hãy đón nhận và vận dụng CMCN 4.0 ở thế "công", tích cực chuẩn bị nền tảng và công cụ chiến lược thay vì "thủ" chỉ lo ngại, dè chừng mà không làm gì cả", PGS-TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh./.