Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một loại vật tư quan trọng không thể thiếu trong phòng trừ dịch hại cây trồng, bảo vệ sản xuất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, quản lý thế nào, sử dụng ra sao vẫn là những vấn đề đặt ra để đáp ứng nhu cầu sản xuất, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV - Định hướng và lộ trình thực hiện”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 18/10, tại Hà Nội, ông Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuốc BVTV đã đầy đủ, hoàn chỉnh, bao gồm Luật Hóa chất 2006, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013, các Nghị định của Chính phủ liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, một số quy định về quản lý, kinh doanh và sản xuất thuốc BVTV đã bắt đầu lỗi thời, chưa phù hợp yêu cầu thực tiễn. Việc kiểm soát toàn bộ quá trình tồn dư thuốc BVTV trên nông sản chưa làm tròn. Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là cần rà soát văn bản điều hành, nhằm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời phù hợp thông lệ quốc tế.
“Danh mục thuốc BVTV hiện nay cũng hơi mất cân đối, chủ yếu là thuốc BVTV gắn với cây lương thực, trong đó cây lúa là chủ yếu còn các cây khác chưa được chú ý”, ông Hà cho biết.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho phép đối tượng đăng ký thuốc BVTV vẫn trong phạm vi quá rộng. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật đã quy định đăng ký thuốc BVTV phải theo nguyên tắc có vào, phải có ra và có thời hạn nhất định, tuy nhiên, việc gia hạn trong một số văn bản đăng ký chưa thực sự rõ ràng.
Với mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp sạch, đưa ra các sản phẩm an toàn thực phẩm và tăng cường xuất khẩu, thì việc có quy định, chính sách khuyến khích phát triển thuốc BVTV sinh học là điều hết sức quan trọng. Nhưng ông Trung cho rằng các chính sách hiện nay trong luật và các quy định chưa đủ mạnh.
Trước biến đổi khí hậu mạnh mẽ, một số loại dịch bệnh mới hiện chưa có loại thuốc BVTV để phòng trừ. Như trong 5 năm gần đây, có các loại sinh vật gây hại trước đây là sinh vật gây hại thứ cấp, thường gây hại trên diện nhỏ, rải rác thì nay đã trở thành sinh vật gây hại nguy hiểm...
Cùng với đó, lãnh đạo Cục BVTV cho rằng, hiện nay hệ thống thanh tra cũng đang có những thay đổi lớn, dẫn tới thanh tra, kiểm tra kiểm soát được thuốc không đúng nguyên tắc đề ra, thuốc giả, kém chất lượng, thuốc nhập lậu... là một trong những thách thức không nhỏ với ngành.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam, hiện việc sử dụng thuốc BVTV của bà con nông dân còn tùy tiện, kém hiểu biết và phụ thuộc hoàn toàn vào hướng dẫn của đại lý bán hàng. Trình độ chuyên môn của các đại lý thuốc BVTV còn yếu kém, chạy theo lợi nhuận, bất chấp hiệu quả xấu có thể gây ra. Trong khi đó, một số nơi các cấp chính quyền còn phó mặc cho phía ngành BVTV. Đó là khó khăn thách thức chung của các cơ quan quản lý cũng như đối với các cơ sở kinh doanh uy tín.
Để việc quản lý thuốc BVTV hiệu quả hơn, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng chủ trương của Bộ NN&PTNT về việc loại bỏ một số loại thuốc BVTV độc hại ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.
“Tuy nhiên, khi xét loại bỏ thuốc BVTV cần dựa vào cơ sở khoa học và bằng chứng cụ thể thuyết phục. Với những loại thuốc BVTV đang được kinh doanh với khối lượng lớn dễ ảnh hưởng đến sản xuất và các doanh nghiệp thì Bộ cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về nhiều mặt, tham khảo ý kiến rộng rãi của các bên liên quan”, ông Sơn nói.
Đồng thời, Bộ nên thông báo sớm và có lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp biết, dừng ngay việc đăng ký mới các thuốc BVTV sẽ bị loại bỏ và kế hoạch đăng ký bổ sung cũng như tìm các sản phẩm thay thế. Bộ cũng cần có chính sách khuyến khích việc đăng ký và sử dụng thuốc BVTV sinh học và thuốc hóa học thế hệ mới. Mọi ưu tiên phải được thể hiện bằng các quy định trong các văn bản pháp luật chứ không nói chung chung, đồng thời cần xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch gắn với việc sử dụng thuốc BVTV sinh học và thuốc BVTV hóa học ít độc hại.
Các doanh nghiệp thuốc BVTV Việt Nam cũng nên cam kết nghiên cứu và phát triển các thuốc BVTV sinh học và hóa học thế hệ mới để thay thế những thuốc hóa học độc hại đã bị loại bỏ. “Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam sẽ phối hợp với các hiệp hội khác đề xuất các giải pháp phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm giảm được 30% số lượng tên thương phẩm thuốc BVTV vào năm 2021”, ông Sơn khẳng định.
Ông Sơn cũng cho biết, Hiệp hội đã vận động các doanh nghiệp, hội viên chủ động rà soát và tự rút các tên thuốc BVTV độc hại đối với người, sinh vật có ích và môi trường. Cho đến nay, tất cả các doanh nghiệp thuốc BVTV tại Việt Nam đã tự rà soát và rút gần 400 tên, trong đó năm 2017 là 206 tên.
Để có danh mục thuốc BVTV thực sự an toàn, có hiệu quả, ông Hoàng Trung cho biết, Cục BVTV đang giám sát chặt chẽ trong các khâu từ cấp giấy phép khảo nghiệm, trên cơ sở quy định của luật pháp làm bài bản với một hội đồng với các nhà khoa học có tâm và trách nhiệm với ngành.
“Vừa rồi, trong 100 bộ hồ sơ, chỉ 20 – 30% đáp ứng quy định hiện nay được cấp giấy phép”. Bên cạnh đó, việc đánh giá kết quả khảo nghiệm cũng được thiết lập lại, chất lượng, số liệu thể hiện đúng bản chất, để khi hội đồng trình Bộ về một loại thuốc BVTV phải bảo đảm sản phẩm chất lượng tốt, người dân sử dụng hiệu quả, đem lại lợi nhuận nhưng vẫn an toàn.
Bên cạnh siết chặt quản lý đầu vào, Cục cũng đưa ra kế hoạch lộ trình cho các hiệp hội, doanh nghiệp, tiến tới 8 hoạt chất khác đang trên đường củng cố báo cáo về mặt kỹ thuật để loại bỏ ra khỏi danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam. “Đó là nỗ lực của cơ quan Nhà nước, sự chung tay phối hợp của các hiệp hội trong thời gian qua và trong thời gian tới, để vừa xiết chặt đầu vào, vừa rà soát loại bỏ các loại thuốc theo quy định của pháp luật”, ông Trung nói.