Đánh giá kết quả thực hiện 22 nhóm chỉ tiêu tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2018 cho thấy, so với các mục tiêu đặt ra tới năm 2020, có 9 chỉ tiêu đã hoàn thành, 8 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành và 5 chỉ tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Như vậy, tới thời điểm hiện nay, có 77% số mục tiêu đã hoàn thành hoặc dự kiến hoàn thành.
Đây là nội dung Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trong phiên họp Quốc hội chiều 22/10.
Ngày 1//11/2016, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế (Nghị quyết 05). Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết 24), với 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 22 chỉ tiêu cần hoàn thành. |
Theo đó, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt và thực hiện các chủ trương, chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Cụ thể, đã sớm ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện 2 Nghị quyết nêu trên (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 27), giao 16 nhiệm vụ và chính sách lớn cần thực thi cho các bộ, ngành, địa phương, với 120 nhiệm vụ cụ thể nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Phó trưởng ban thường trực, có chức năng tham mưu, đôn đốc, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương thực hiện việc cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo đánh giá của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhìn chung đã thực hiện với trách nhiệm cao và thực chất các chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
“Đã có sự chuyển biến cả về tư duy và theo đó là quyết tâm và hành động cụ thể, trong trong công tác xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, với việc tập trung vào chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy các trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế tư nhân; chú trọng cơ cấu lại các ngành kinh tế, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn; hành động quyết liệt đi liền với giám sát chặt chẽ cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành”, Báo cáo nhấn mạnh.
Đánh giá kết quả thực hiện 22 nhóm chỉ tiêu được đặt ra tại Nghị quyết 24 trong giai đoạn 2016-2018 cho thấy, so với các mục tiêu đặt ra tới năm 2020, có 9 chỉ tiêu đã hoàn thành, 8 chỉ tiêu có khả năng hoàn thành và 5 chỉ tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành. Như vậy, tới thời điểm hiện nay, có 77% số mục tiêu đã hoàn thành hoặc dự kiến hoàn thành.
Nhìn chung, quá trình triển khai cơ cấu lại nền kinh tế đã bám sát quan điểm nêu tại Nghị quyết số 05 và Nghị quyết 24 của Đảng và Quốc hội, vừa tập trung xử lý kịp thời các vấn đề tồn đọng trong giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế trước đây, đồng thời chuyển dần từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước.
Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai và theo dõi giám sát về thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới cần tiếp tục được chú trọng và đổi mới, để tiếp tục tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ về cải cách thể chế và cơ cấu lại nền kinh tế trên cả nước, qua đó các bộ, ngành, địa phương chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Còn nhiều việc phải làm
Trong thời gian tới, Chính phủ xác định các nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế trong năm 2019-2020 bao gồm tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Nghiên cứu ban hành các chính sách dưỡng sức dân, dưỡng sức doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Nghiên cứu sớm ban hành chính sách cắt giảm hợp lý và mạnh mẽ các loại thuế, phí đối với doanh nghiệp.
Xây dựng thị trường cạnh tranh hiệu quả dựa trên 2 trụ cột: Phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn trên cơ sở tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân trong nước; Cải cách thể chế về quyền tài sản, trước mắt tập trung các khâu: Giải quyết phá sản, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, xử lý tài sản thế chấp ngân hàng.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện luật pháp về quản lý đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp; phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất; xây dựng chính sách phát triển và xác định mục tiêu rõ ràng về tăng năng suất và hiệu quả của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư. Tập trung đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, gắn chặt với các ưu tiên về cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên tối đa đầu tư phát triển hạ tầng và tăng cường vị thế các vùng động lực tăng trưởng.
Chính phủ cũng sẽ ưu tiên chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường chiều sâu và tốc độ cổ phần hóa, nâng cao thực chất trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp Nhà nước; đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính, cân bằng giữa phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Giảm dần tốc độ tăng trưởng tín dụng đến mức phù hợp so với tăng trưởng GDP (tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 14-16% vào năm 2020).
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách Nhà nước. Kiên quyết chỉ đạo thực hiện để đạt mục tiêu đã xác định “chi thường xuyên dưới 64% tổng chi ngân sách”.
Trong tình hình mới, Chính phủ sẽ sớm đề xuất và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cũng đánh giá cao kết quả tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh đồng thời phải giải quyết những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước và thực hiện cải cách, tìm kiếm động lực tăng trưởng cho giai đoạn sau năm 2020.
“Trong số 5 nhóm mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 24, có 4 nhóm mục tiêu liên quan đến cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và đầu tư công, cải thiện chất lượng tăng trưởng và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, thị trường tài chính đạt kết quả khả quan. Theo đó, 41% các chỉ tiêu được xác định tại Nghị quyết số 24 dự kiến hoàn thành và 36,4% chỉ tiêu có khả năng hoàn thành đến năm 2020. Khoảng cách về năng lực cạnh tranh của nước ta so với bình quân các nước ASEAN-4 có bước thu hẹp, các chỉ tiêu về năng suất và đổi mới công nghệ đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch đề ra”, Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng, nhóm mục tiêu thứ 5 về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã khó đạt được đến năm 2020 nếu không có giải pháp đẩy nhanh.
Về phát triển doanh nghiệp, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018.