Một vài suy nghĩ về công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay

09:17, 21/10/2018

Từ xưa tới nay, sự hưng thịnh hay suy vong của bất kỳ quốc gia - dân tộc hay chế độ nào đều phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ - những con người có khả năng chính trị và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý. Ðây là đội ngũ nhân sự có vai trò rường cột trong tham mưu hoạch định chính sách, trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi luật pháp, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội.

Cán bộ - thủ lĩnh chính trị

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã chỉ ra rằng: cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo có vai trò quyết định đối với sự thành bại của cách mạng. Xuất phát từ nguyên lý “muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội (CNXH) thì trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa (XHCN)”.

Nếu CNXH được nhận thức trước hết là một học thuyết tư tưởng thì như C.Mác và Ph.Ăng-ghen viết “Xưa nay, tư tưởng không thể đưa người ta vượt ra ngoài trật tự thế giới cũ được; trong bất cứ tình huống nào, tư tưởng cũng chỉ có thể đưa người ta vượt ra ngoài phạm vi tư tưởng của trật tự thế giới cũ mà thôi. Thật vậy, tư tưởng căn bản không thể thực hiện được cái gì hết. Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn”(1).

Trong quá trình lãnh đạo Cách mạng XHCN Tháng Mười năm 1917 và xây dựng Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

V.I Lê-nin luôn quan tâm đến xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo Lê-nin: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào,... Chúng ta phải đào tạo những người sẵn sàng hiến cho cách mạng, không phải chỉ những buổi tối rỗi việc của họ mà tất cả cuộc đời của họ”(2). Lê-nin cũng khẳng định: chỉ có trong phong trào cách mạng, trong hoạt động thực tiễn, trong công tác thực tế, trong phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, người tổ chức có tài phải thực tế nổi bật lên và phải được đề bạt lên những chức vụ cao trong sự nghiệp quản lý nhà nước.

Lê-nin chỉ ra những chuẩn mực đạo đức của người đảng viên cộng sản, như: phẩm chất trung thành; tinh thần gương mẫu, trung thực, tự giác gánh vác nhiệm vụ và lòng hy sinh phục vụ chủ nghĩa cộng sản; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng; tận tâm, tận tụy, trách nhiệm với công việc, khiêm tốn cầu thị; tôn trọng gần gũi, tin tưởng và phục vụ lợi ích của nhân dân, tiết kiệm, tránh lãng phí; không quan liêu, “kiêu ngạo cộng sản”, tự phụ, tự cao tự đại, tham ô, hối lộ; không ham địa vị, lạm quyền, đặc quyền, đặc lợi, che giấu khuyết điểm, dũng cảm nhận và quyết tâm sửa chữa sai lầm, khuyết điểm...

Ở nước ta, Ðảng - Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của con người, luôn khẳng định quan điểm coi con người (đặc biệt là đội ngũ cán bộ) là trung tâm của sự phát triển, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(3). Theo Người, để hoàn thành được trọng trách mà Ðảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, cán bộ phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau đây:

- Về năng lực, cán bộ phải có tài, năng lực, trí tuệ và chuyên môn để lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ cách mạng; có khả năng tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân.

- Về phẩm chất chính trị và đạo đức, cán bộ phải giác ngộ và kiên định con đường XHCN; trung thành tuyệt đối với Ðảng, với chế độ XHCN, không hoang mang dao động về chính trị tư tưởng, lạc quan tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới; có bản lĩnh chính trị, nhạy bén và cảnh giác với âm mưu diễn biến hòa bình, phi chính trị hóa của các thế lực thù địch. Ðặc biệt, là nền tảng cơ bản và là cái gốc - cơ sở cho tài năng phát triển, đạo đức cách mạng (ÐÐCM) là yêu cầu không thể thiếu ở mỗi cán bộ trong suốt quá trình phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng và phục vụ nhân dân.

- Về sự thống nhất giữa tài và đức, “đức” (đạo đức) là phẩm chất tốt đẹp do con người tu dưỡng, rèn luyện theo những tiêu chuẩn được xã hội thừa nhận; “tài” (tài năng) thể hiện ở năng lực xuất sắc, khả năng làm việc sáng tạo của mỗi con người trong công việc của mình đảm nhiệm đem lại lợi ích cao cho xã hội. Với mỗi người cán bộ, đức - tài là hai nhân tố rất quan trọng, cần và không thể thiếu; là hai mặt bổ sung, hỗ trợ nhau tạo nên phẩm chất, nhân cách toàn diện để đạt hiệu quả cao trong quá trình làm việc và cống hiến. Vì vậy, mặc dù rất coi trọng đạo đức nhưng Hồ Chí Minh cũng luôn quan tâm đến tài năng, trí tuệ và luôn tạo điều kiện để cho mỗi người rèn luyện tài năng, đem tài năng cống hiến cho xã hội. Người cho rằng: đức và tài, hồng và chuyên phải kết hợp, phẩm chất và năng lực luôn song hành với nhau, trong đó “đức là gốc” trong xây dựng Ðảng và là nền tảng của người cách mạng.

Với tinh thần đó, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ để có đủ sức mạnh hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của Ðảng. Người đã dày công đào tạo, huấn luyện và xây dựng một đội ngũ cán bộ tận tụy, kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua các giai đoạn cách mạng.

Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi ra đời đến nay Ðảng ta luôn coi công tác cán bộ là một trong những vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Quan điểm, chủ trương của Ðảng về công tác cán bộ luôn nhất quán, coi trọng con người là nhân tố hàng đầu, nguồn lực có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn cách mạng, nhiều thế hệ cán bộ đã phát huy tài năng, sức lực cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH.

Trải qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, thực tiễn cách mạng lại đặt ra những vấn đề “mới” về nội dung, yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ; đòi hỏi Ðảng ta sự quán triệt và vận dụng những quan điểm nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ một cách đúng đắn, sáng tạo và phù hợp với yêu cầu, hoàn cảnh cụ thể.

Ðặc biệt, trải qua hơn ba thập kỷ tiến hành công cuộc đổi mới, chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ các cấp. Ðó là thế hệ những cán bộ đã được tôi luyện, trưởng thành qua thử thách, có ý chí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, năng động, sáng tạo; trình độ kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn (năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội) ngày càng được nâng cao, hăng hái thực hiện đường lối đổi mới và sớm thích nghi với cơ chế thị trường. Ðội ngũ cán bộ đã khẳng định vai trò đầu tàu của công cuộc đổi mới và là nhân tố quyết định trong việc thực hiện một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước của dân, do dân và vì dân, sự thành bại của cách mạng.

Những vấn đề thực tiễn đặt ra

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Trong thời gian qua, đã xuất hiện những khuynh hướng, hiện tượng như cực đoan, phiến diện, lệch lạc và hình thức, thể hiện ở sự thiên lệch về tuổi tác (già hay trẻ), thâm niên, cống hiến, kinh nghiệm, kiến thức, bằng cấp, cơ cấu hay thành phần, lý lịch gia đình. Việc xử lý các mối quan hệ giữa đức và tài; giữa lý luận với thực tiễn; giữa tri thức năng lực với phẩm chất chính trị và đạo đức; giữa bằng cấp với năng lực thực tế; giữa kiến thức lý luận, quản lý với kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ; giữa trung ương với địa phương; giữa già với trẻ; nguồn trong nước và ngoài nước... có lúc còn lúng túng, trì trệ hoặc đơn giản, duy ý chí.

Nhiều đề án, chương trình về công tác cán bộ chưa đạt hiệu quả cao, chưa được như mong muốn (như: các đề án luân chuyển cán bộ; thu hút tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; thu hút nhân tài...). Công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí cán bộ, thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài còn nhiều bất cập. Một bộ phận cán bộ (trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý) đang có sự bất cập về phẩm chất, đạo đức; nạn tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Ðội ngũ cán bộ cấp trung ương, cấp chiến lược chưa được tập trung xây dựng; chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, tư vấn cấp chiến lược; chưa có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài. Công tác quy hoạch ở một số nơi còn khép kín, chưa bảo đảm sự liên thông, gắn kết.

Xét về nguồn gốc xa hơn, những tồn tại, hạn chế, tiêu cực nêu trên cũng cho thấy sự ảnh hưởng tàn dư của chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, nhất là chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ... rất xa lạ đối với quan điểm, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, không đúng với kỳ vọng của Ðảng, Nhà nước và Nhân dân đồng thời để lại những di hại to lớn đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Ngày nay, trong bối cảnh sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước đang đi vào chiều sâu, trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra cho Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta nhiệm vụ trực tiếp về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Việt Nam đang đứng trước thời cơ, vận hội mới cũng như thách thức vươn lên trở thành một quốc gia công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; đòi hỏi Ðảng ta phải không ngừng nâng cao năng lực, sức chiến đấu ngang tầm với nhiệm vụ mới và quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả; năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ phải được nâng cao về mọi mặt.

Thực tiễn đang đòi hỏi cần tạo đột phá, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc, ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Vì vậy, trong thời gian tới công tác cán bộ phải thực hiện tốt các yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 26-NQ/TW về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Cần quan tâm giải quyết những vấn đề lớn: Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài; tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng.

Việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW không thể tách rời cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay nhằm quán triệt, thấm nhuần và vận dụng đúng đắn các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam về công tác cán bộ; từng bước đẩy lùi những tàn dư của ý thức hệ phong kiến, tư sản và các tệ nạn tiêu cực trong đời sống xã hội; khắc phục triệt để chủ nghĩa giáo điều, kinh nghiệm, bảo thủ, chủ quan duy ý chí, cá nhân, cơ hội và xét lại; chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ và những biểu hiện khác đi ngược lợi ích của Nhân dân, của cách mạng và lý tưởng XHCN.

Với ý nghĩa là yếu tố đi trước, mở đường, hiệu quả của cuộc đấu tranh tư tưởng trên đây sẽ là tiền đề, điều kiện quan trọng để đổi mới công tác cán bộ theo Nghị quyết của Ðảng thành công.

-----------------------------------------

(1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.181.

(2) V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 4, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, tr.473, 474.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.267, 269.