Trạm y tế xã là tuyến đầu, gần dân nhất và được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế. Với mô hình ở nước ta hiện nay đòi hỏi các trạm y tế phải thay đổi căn bản phương thức hoạt động để thực hiện sứ mệnh của mình. Sau nhiều nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm của các nước, Bộ Y tế đang định hướng trạm y tế tuyến xã sẽ hoạt động theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ).
Hội nghị T.Ư 6, khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó nêu rõ: Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở. Nghị quyết cũng đề ra một số chỉ tiêu quan trọng: Ðến năm 2025: Phấn đấu hơn 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% số trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Ðến năm 2030: 100% số trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.
Theo Bộ Y tế, trạm y tế là nơi gần nhất, tốt nhất để người dân tiếp cận dịch vụ y tế, do vậy mô hình trạm y tế theo nguyên lý YHGÐ là cần thiết, bởi hiện nay có đến 70% số dân sống ở nông thôn, trong đó có 10% là người cao tuổi. Mặt khác, hệ thống trạm y tế xã, phường đang được phủ rộng khắp cả nước. Do vậy, đây là thời điểm phát triển y tế cơ sở để tạo nên bước ngoặt lớn của ngành y tế. Ngoài quyết tâm cao, Bộ Y tế đang tập trung nhiều nguồn lực, tăng cường y tế cơ sở, trong đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã theo nguyên lý YHGÐ là nhiệm vụ trọng tâm.
Ðể tăng cường quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế theo nguyên lý YHGÐ, các trạm y tế cần tích cực triển khai dịch vụ dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm, được bảo hiểm y tế thanh toán, ưu tiên cho quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế xã. Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, như: tiến hành kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho một số tỉnh, thành phố trong thực hiện quản lý bệnh mạn tính; hoàn thiện mô hình điểm 26 trạm y tế xã (tại tám tỉnh, thành phố) với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm thực hiện công tác khám, chữa bệnh, dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe, tiêm chủng, kiểm soát nhiễm khuẩn…; xây dựng, hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn; tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân viên y tế tại các trạm y tế, trước mắt tập trung đào tạo về quản lý bệnh không lây nhiễm theo nguyên lý YHGÐ; tập huấn về lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho các trạm y tế…
Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết: Cục đã tham mưu, trình Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cho các chuyên khoa, chuyên ngành, trong đó có các hướng dẫn như chẩn đoán, điều trị tăng huyết áp; chẩn đoán và điều trị đái tháo đường; quy trình lâm sàng chẩn đoán, điều trị đái tháo đường; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; hướng dẫn phát hiện sớm một số bệnh không lây nhiễm đã được ban hành tháng 6-2017 (bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, một số bệnh ung thư và rối loạn tâm thần)… Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng ban hành cuốn Tài liệu chuyên môn hướng dẫn khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường. Ðây là tài liệu quan trọng cho các trạm áp dụng trong thực hành khám, chữa bệnh thông thường tại xã.
Song song với các giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật, Bộ Y tế đang xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn việc phân bổ ngân sách y tế theo hướng ưu tiên cho y tế dự phòng cũng như cho hoạt động khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị y tế tuyến dưới triển khai thực hiện tốt Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18-10-2017 của Bộ Y tế quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở, bao gồm 76 dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và 241 thuốc cung ứng tại trạm y tế xã để trạm có điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi, quản lý một số bệnh không lây nhiễm nhằm thu hút người bệnh về tuyến y tế cơ sở.
Mặt khác, Bộ Y tế cũng đang phối hợp các bộ, ngành sửa đổi quy định giao quỹ khám, chữa bệnh cho trạm y tế cao nhất bằng 20% quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoại trú. Việc sửa đổi theo hướng cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ ký hợp đồng với Trung tâm y tế tuyến huyện để tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã. Việc bỏ quy định giao quỹ cho trạm y tế tuyến xã sẽ nâng mức chi trả chi phí khám, chữa bệnh tại đây, kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… Qua đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT ngay tại tuyến cơ sở, giảm tình trạng người bệnh vượt tuyến, gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Về lâu dài sẽ xây dựng cơ chế giá dịch vụ và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến dưới; đồng thời quy định các cơ sở y tế tuyến trên chỉ cung cấp các dịch vụ mà tuyến dưới chưa thực hiện được.
Với những hướng đi đúng và cách thực hiện quyết liệt, Bộ Y tế hy vọng, khoảng sau mười năm, người dân sẽ tin tưởng vào hệ thống y tế cơ sở và đến khám, chữa bệnh, theo dõi bệnh tại các trạm y tế phường, xã nhiều hơn.