Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, năm 2018 đã thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Báo cáo cũng ghi nhận nền kinh tế đã duy trì nhịp tăng trưởng tốt trong ba năm liên tiếp (2016-2018).
Sáng nay, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khoá XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và kết quả thực hiện ba năm 2016-2018; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.
Theo báo cáo, năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là trong tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra. Đặc biệt, năm 2018 được đánh giá là đã thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo.
Cụ thể, trong 12 chỉ tiêu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra năm 2018, dự kiến có tám chỉ tiêu ở mức vượt mục tiêu kế hoạch đề ra và bốn chỉ tiêu ở mức đạt. Trong đó, có nhiều điểm nhấn quan trọng như: Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng trung hạn, tăng trên cả ba lĩnh vực; các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát; thu ngân sách vượt dự toán, hỗ trợ cho chi đầu tư phát triển, thực hiện an sinh xã hội; cơ cấu chi ngân sách có chuyển biến tích cực; cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch đúng hướng với sự gia tăng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân; thu hút và giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá; cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, cán cân thương mại chuyển biến tích cực, năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp xuất siêu; thị trường tiền tệ ổn định, quy mô dự trữ ngoại hối tăng cao.
Mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế có những bước chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh có nhiều tiến bộ… Các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, tham dự thi quốc tế đạt được nhiều thành tích nổi bật; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào thực chất; cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy được chú trọng và triển khai quyết liệt hơn; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều thành tựu nổi bật; quốc phòng an ninh được giữ vững. Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả nhất định trên nhiều lĩnh vực, giúp cho việc củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân và cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá giữa kỳ của Chính phủ cũng cho thấy những kết quả tích cực về tình hình kinh tế - xã hội trong ba năm (2016 – 2018), đây là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020.
Cụ thể, sau ba năm thực hiện, nền kinh tế vẫn giữ được nhịp tăng trưởng tốt, chất lượng tăng trưởng có nhiều chuyển biến, thể hiện qua những kết quả đáng ghi nhận sau: Tăng trưởng kinh tế đạt mức khá, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Nổi bật là cán cân thương mại đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư trong ba năm liên tiếp, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không ngừng gia tăng, đặc biệt tỷ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng, hiệu quả đầu tư từng bước được cải thiện.
Số lượng doanh nghiệp có sự gia tăng đáng kể; quy mô nguồn nhân lực tăng lên ở tất cả các ngành; công tác y tế, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng được nâng cao; các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao đạt được nhiều thành tích nổi bật; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và có kết quả rõ nét; cải cách thủ tục hành chính và tinh gọn bộ máy được chú trọng và triển khai tích cực hơn; quốc phòng an ninh được giữ vững, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện.
Mạng lưới các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện được củng cố và mở rộng; quan hệ với các nước từng bước đi vào chiều sâu; tăng cường vai trò của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
Về mục tiêu tổng quát, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.
Mặt khác, căn cứ những kết quả đạt được và một số hạn chế, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, về cơ bản, có thể đạt được các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp đột phá hơn nữa, thì một số chỉ tiêu sẽ khó đạt được, như: Tỷ lệ tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; Tiêu hao năng lượng tính trên tổng sản phẩm trong nước bình quân; Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trên tổng sản phẩm trong nước năm cuối kỳ; Tỷ lệ lao động qua đào tạo. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý vẫn chưa có số liệu báo cáo. Ngoài ra, thực tế phát triển doanh nghiệp thời gian qua cho thấy, việc đạt được mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn.