Cách đây đúng 20 năm, ngày 14-11-1998, tại thủ đô Kua-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a), Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Giây phút lịch sử này đánh dấu bước triển khai mạnh mẽ chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Ðảng và Nhà nước ta, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước trong hai thập kỷ qua. Kỷ niệm 20 năm đồng hành cùng APEC, chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua với những dấu ấn đáng tự hào, từ đó nỗ lực đóng góp hơn nữa cùng vun đắp tương lai chung về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, sáng tạo, gắn kết và thịnh vượng.
Tầm nhìn chiến lược của hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam
Thành tựu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của nước ta trong 20 năm qua đã khẳng định chủ trương tham gia APEC là hoàn toàn đúng đắn và đúng thời điểm, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Ðảng và Nhà nước ta. Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, nơi hội tụ các trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ lớn toàn cầu, chiếm 39% dân số, đóng góp 59% GDP, hơn 49% thương mại của thế giới, APEC đã mang lại nhiều lợi ích về chiến lược, kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện của đất nước.
Trước hết, APEC là diễn đàn quy tụ 14 trong số 28 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của nước ta, chiếm 75% kim ngạch xuất nhập khẩu, 78% tổng vốn đầu tư trực tiếp và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. 14 trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ta đã, đang đàm phán và ký kết là với 17 trong số 20 thành viên APEC. Những con số này minh chứng rõ nét tầm quan trọng của APEC đối với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Thứ hai, tham gia APEC góp phần quan trọng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Là thành viên APEC, Việt Nam có vai trò, tiếng nói ngang hàng với nhiều trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới trong việc xây dựng, định hình các luật lệ, quy tắc về kinh tế, thương mại khu vực. Ðiều này có ý nghĩa quan trọng để chúng ta đẩy mạnh triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Thứ ba, Diễn đàn APEC là kênh quan trọng để chúng ta thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần tạo đan xen lợi ích dài hạn và đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, củng cố môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước. Ðáng chú ý, thành công của các chuyến thăm song phương mang tính lịch sử và hàng chục cuộc hội đàm, tiếp xúc song phương dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tiếp tục đặt nền móng nâng tầm quan hệ song phương của ta với nhiều đối tác trong khu vực.
Thứ tư, tham gia APEC và thực hiện các cam kết về mở cửa thương mại, đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh góp phần tạo động lực thúc đẩy cải cách trong nước, từng bước hoàn thiện thể chế chính sách, quy định phù hợp với các cam kết quốc tế. Tham gia sân chơi APEC tạo tiền đề để Việt Nam tham gia vào những sân chơi rộng lớn và có mức độ cam kết hơn như WTO, các FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao. Việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng là đòn bẩy để hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thứ năm, là thành viên APEC, Việt Nam được hưởng những hỗ trợ nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. Việc triển khai các cam kết, đồng bộ hóa chính sách, cùng các dự án hỗ trợ kỹ thuật của APEC đã góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho Việt Nam. Các chương trình hợp tác về tăng cường trao đổi sinh viên, thúc đẩy du lịch, giao lưu nhân dân,... thực sự đem lại nhiều cơ hội lớn đối với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Cuối cùng và cũng là điều khác biệt của hợp tác APEC so với nhiều cơ chế khác chính là APEC mang đến những tiềm năng và cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. APEC hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong tiếp cận thị trường, hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại thuận lợi, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến.
Những dấu ấn Việt Nam
Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, chúng ta có thể tự hào về những đóng góp tích cực, chủ động của Việt Nam đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.
Nổi bật nhất phải kể đến việc Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017.
Với vai trò chủ trì của Việt Nam, tại Tuần lễ Cấp cao tháng 11-2006 tại Thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC đã xác định triển vọng hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Ðây là quyết sách quan trọng, đặt nền móng cho tầm nhìn chiến lược về liên kết kinh tế toàn khu vực. Kết quả của Năm APEC 2006 với tinh thần "Hướng tới một cộng đồng năng động vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng" đã góp phần tạo thêm xung lực đẩy mạnh hợp tác APEC theo hướng hiệu quả và năng động hơn.
Sau 11 năm, chúng ta tiếp tục được các thành viên tín nhiệm lựa chọn đăng cai APEC lần thứ hai. Trọng trách này đặt chúng ta trước nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh năm 2017 được đánh giá là một trong những thời điểm khó khăn nhất đối với Diễn đàn, với sự nổi lên mạnh mẽ của chủ nghĩa bảo hộ, dân túy, chống toàn cầu hóa cũng như các thách thức về biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, già hóa dân số… Trong bối cảnh khó khăn như vậy, với bản lĩnh và trí tuệ, với quyết tâm và sự đồng lòng, chúng ta đã tổ chức thành công xuất sắc Năm APEC 2017 với gần 250 sự kiện, đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố biển Ðà Nẵng năng động và hiện đại. Vai trò và đóng góp của Việt Nam được đặc biệt đề cao khi chúng ta chủ trì khởi xướng thảo luận về xây dựng Tầm nhìn mới cho Diễn đàn APEC sau năm 2020. Bên cạnh đó, dấu ấn Việt Nam còn thể hiện qua thành công của Ðối thoại lần đầu tiên giữa lãnh đạo APEC với ASEAN và việc chúng ta đóng góp tích cực thúc đẩy hình thành Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong dịp Tuần lễ Cấp cao Ðà Nẵng.
Có thể nói, thành công và những dấu ấn của hai lần đăng cai APEC khẳng định đóng góp chủ động, tích cực và hết sức trách nhiệm của Việt Nam trong tham gia định hình liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của liên kết và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hai là, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do nước ta đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung.
Ba là, chúng ta đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (năm 2005 - 2006), Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt.
Bốn là, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC ngày càng được đề cao. Doanh nghiệp của chúng ta đã tham gia và đóng góp tích cực, đề xuất nhiều khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo và các Bộ trưởng APEC.
APEC - Diễn đàn nâng tầm đối ngoại đa phương
Trong một thế giới siêu kết nối, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là một trung tâm phát triển năng động hàng đầu thế giới, có vị trí địa kinh tế và địa chính trị chiến lược quan trọng, là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, một trung tâm chính trị trọng yếu của thế giới. Là cơ chế liên kết kinh tế quan trọng hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, APEC tiếp tục tiên phong thúc đẩy thương mại, đầu tư, kết nối, phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo trong quản trị kinh tế toàn cầu, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 và ứng phó với các thách thức chung. Bước sang thập kỷ phát triển thứ tư, trước những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc của cục diện thế giới và khu vực, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, APEC đang chuyển mình căn bản, ngày càng mở rộng nội hàm hợp tác theo hướng thiết thực hơn, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Sau hơn 30 năm Ðổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển chiến lược với vị thế và tầm vóc mới, tiếp tục đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương. Châu Á - Thái Bình Dương và APEC tiếp tục là một trong những trọng điểm trong triển khai chủ trương đối ngoại của nước ta trong thời kỳ mới.
Với hành trang là 20 năm tham gia APEC, chúng ta sẽ tiếp tục nâng tầm đóng góp của Việt Nam tại Diễn đàn. Chúng ta sẽ cùng các thành viên đẩy mạnh triển khai các cam kết và chiến lược dài hạn về hoàn thành các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020, các chiến lược tăng trưởng, kết nối tổng thể,... đồng thời thúc đẩy hiện thực hóa các kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Trên cương vị Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC, chúng ta sẽ đóng góp tích cực triển khai ý tưởng do chính chúng ta khởi xướng trong năm 2017 - xây dựng những tầm nhìn mới cho Diễn đàn trong giai đoạn phát triển sau năm 2020.
Triển khai chủ trương của Ðại hội Ðảng lần thứ XII về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp định hình các thể chế đa phương và Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng APEC trên chặng đường phát triển sắp tới, chung tay xây dựng tầm nhìn chiến lược về cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, sáng tạo, gắn kết và thịnh vượng.