Nếu như năm 2015, chỉ có 30% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế thì đến nay, đã có 89% bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV có thẻ này. Hết năm 2018, con số này sẽ vượt trên 90%.
Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán thuốc ARV nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2019 đối với các cơ sở điều trị HIV/AIDS do Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức ngày 20-11.
Nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững cho tiếp cận thuốc ARV cho người nhiễm HIV trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần và có thể sẽ chấm dứt hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp sau năm 2020, Quyết định số 1125/QĐ-TTg ngày 31-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu y tế và dân số giai đoạn 2016-2020 đã quy định “từ năm 2019, thanh toán thuốc từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho các đối tượng có thẻ BHYT”.
Tăng tỷ lệ người bệnh HIV/AIDS có thẻ BHYT
Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á cam kết nhanh chóng đạt được mục tiêu 90-90-90 do UNAIDS khởi xướng. Việt Nam đã làm rất tốt việc kiểm soát dịch HIV. Dịch HIV ở VIệt Nam hiện tập trung vào một số nhóm nguy cơ cao như nhóm người nghiện chích ma tuý, phụ nữ mại dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới. Tỷ lệ lây nhiễm HIV cả nước đã giảm đáng kể trong suốt một thập kỷ qua nhưng vẫn còn nhiều quan ngại về tình trạng nhiễm HIV gia tăng ở các nhóm nguy cơ cao đặc biệt là nam quan hệ tình dục đồng giới ở các khu vực thành thị như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lân cận.
Trong khi nguồn thuốc ARV viện trợ từ tổ chức quốc tế ngày càng cạn kiệt, việc tiếp tục điều trị ARV thông qua nguồn thuốc do BHYT chi trả là cơ chế tài chính bền vững cho điều trị thuốc kháng virus ở VIệt Nam.
Bà Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, kể từ năm 2017 khi BHXH thanh toán cho các dịch vụ liên quan xét nghiệm, tải lượng virus, công khám, số người bệnh HIV/AIDS có thẻ BHYT tăng lên. Đặc biệt từ đầu năm 2018, sau khi Bộ Y tế đưa ra khung kế hoạch mua thẻ BHYT, các địa phương được bố trí ngân sách nên đồng loạt mua thẻ BHYT cho người nhiễm. Đến hết năm 2018, con số này sẽ đạt 90%.
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, đến nay đã có 190 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh, thành phố nhận thuốc ARV nguồn BHYT, tương ứng hơn 48 nghìn bệnh nhân trong năm 2019. 90% trong tổng số 433 cơ sở điều trị HIV/AIDS đã ký hợp đồng, 85% đã thanh toán ít nhất một dịch vụ nguồn BHYT đến hết 31-10-2018.
Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT chung tại 63 tỉnh, thành phố đạt 89%, trong đó có bốn tỉnh đạt 100% như Ninh Thuận, Lai Châu, Cà Mau, Cao Bằng; có 42 tỉnh đạt hơn 90% và hiện còn khoảng 6 tỉnh đạt từ 70-80%.
Bà Ritu Singh, Giám đốc Chương trình Y tế Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết, trên thế giới rất ít các quốc gia sử dụng bảo hiểm y tế để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV mà phần lớn là dùng tiền thuế để trợ cấp miễn phí điều trị cho bệnh nhân HIV. Trong 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nằm trong chương trình PEPFAR hỗ trợ, Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân.
Về mục tiêu đạt 100% số người bệnh HIV/AIDS có thẻ BHYT, bà Thúy Anh cho rằng đó là con số lý tưởng và khó đạt tới. Tuy nhiên, mục tiêu 95-98% chắc chắn sẽ đạt được trong vài năm tới đây.
Nhiều chính sách hỗ trợ người bệnh HIV/AIDS
Theo bà Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng chống HIV/AIDS, một trong những điểm mới mà ngành y tế triển khai quản lý, hỗ trợ người có HIV là trong năm 2019 sẽ triển khai hệ thống quản lý bệnh nhân tham gia điều trị ARV gồm quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV, hồ sơ bệnh án điện tử; kết nối dữ liệu tối thiểu 432 cơ sở điều trị và lồng ghép hệ thống thanh toán BHYT.
“Hệ thống này sẽ quản lý các bệnh nhân có thẻ BHYT và chưa có thẻ BHYT, xác định được danh tính bệnh nhân kể cả khi bệnh nhân chuyển viện sang các địa bàn, tuyến khác; bảo đảm bệnh nhân nhận nguồn thuốc khác nhau cũng nắm được con số, không bị trùng lắp trong cấp phát thuốc”. Hệ thống này cũng cấp mã định danh và quản lý người bệnh trên toàn hệ thống; theo dõi, giám sát quản lý, sử dụng và quyết toán thuốc kháng HIV nguồn BHYT.
Theo bà Thúy Anh, hiện nay chính sách dành cho người bệnh mắc HIV đã đồng bộ và không có rào cản cho người mắc HIV tiếp cận với nguồn thuốc ARV từ BHYT.
“Chỉ có một nhóm rất nhỏ không muốn dùng thẻ, hoặc họ không có giấy tờ tùy thân (khoảng 3%). Tuy nhiên, những điều này đã được Thông tư 27 giải quyết bằng việc hỗ trợ ban hành thẻ BHYT có ảnh. Như vậy, những trở ngại về giải pháp cho người có thẻ không còn khó khăn. Khó khăn là ở khía cạnh là liệu người có thẻ có dùng hay không vì sự phân biệt kỳ thị. Nhiều khi sự phân biệt kỳ thị làm hạn chế tiếp cận dịch vụ”, bà Thúy Anh nói.
Thông tư số 27/2018/TT-BYT quy định cơ sở điều trị HIV/AIDS có nhiệm vụ lập danh sách cấp thẻ BHYT; đơn vị phòng chống HIV/AIDS cấp tỉnh tổng hợp danh sách người bệnh điều trị tại cơ sở để chuyển cơ quan BHXH rà soát, cấp thẻ BHYT và quyết toán kinh phí hỗ trợ đóng BHYT.
Thông tư này cũng đưa ra cơ chế chuyển tuyến cho những bệnh nhân đang điều trị ở đâu sẽ tiếp tục điều trị ở đó đến hết 2019. Với các cơ sở điều trị không có khả năng xét nghiệm về CD4, tải lượng virus, BHXH sẽ thanh toán cho việc chuyển tuyến.
Hiện nay các cơ sở điều trị có phòng khám HIV riêng biệt, nhằm tránh phân biệt kỳ thị. Bác sĩ cũng tạo điều kiện khám cho người nhiễm.
Bộ Y tế đã lập kế hoạch nhu cầu thuốc từ các nguồn bảo đảm đủ thuốc cho tất cả bệnh nhân trên toàn quốc trong năm 2019. Trường hợp cơ sở điều trị không đủ điều kiện KCB BHYT, Sở Y tế và cơ sở điều trị phải chuyển bệnh nhân sang cơ sở điều trị có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ KCB BHYT cho HIV/AIDS; chịu trách nhiệm bảo đảm nguồn thuốc ARV cho người bệnh từ 1-1-2019.
“Trong giai đoạn chuyển đổi, người bệnh HIV/AIDS phải có trách nhiệm tham gia BHYT. Ngoài thuốc ARV còn có xét nghiệm CD4, tải lượng virus đắt tiền, nếu không tham gia sẽ không được hỗ trợ, bảo đảm chất lượng điều trị”, bà Thúy Anh nhấn mạnh.
Đến tháng 1-2019, BHYT bắt đầu được sử dụng để chi trả cho khoảng 48,000 bệnh nhân HIV với chi phí dành cho thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm là khoảng 6 triệu đô la mỹ. Trong thời gian 2-3 năm tới, bảo hiểm sẽ là nguồn lực chính chi trả các chi phí điều trị cho toàn bộ bệnh nhân HIV có tham gia BHYT.