Trong bối cảnh mới, các làng nghề cũng đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề; nhiều làng nghề vẫn giữ được tốc độ phát triển khá như sơn mài, khảm trai, điêu khắc gỗ, thêu, dệt lụa… Tuy nhiên, thách thức chung mà các làng nghề gặp phải là thực trạng thiếu lao động có tay nghề để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến sản phẩm các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.
Vài năm trở lại đây, làng nghề Phú Vinh Quang (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vốn nổi tiếng cả nước với nghề mây tre đan truyền thống nhưng không phát triển được vì thiếu đội ngũ lao động kế cận lành nghề. Thường các hộ sản xuất chỉ làm theo mẫu có sẵn, chứ không có nhiều thợ có trình độ tay nghề, có thể thiết kế mẫu mã sản phẩm nên hàng hóa không đa dạng, thiếu sức cạnh tranh, trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng cao và khắt khe.
Được biết đến là làng nghề duy nhất trên cả nước có nghề may comple, veston, nhưng theo các sản phẩm của xã Từ Thuận, huyện Phú Xuyên, Hà Nội mới chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa chứ chưa xuất khẩu ra nước ngoài được.
Để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài đòi hỏi các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe; trong khi đó, công nghệ làm ra sản phẩm cuối cùng chưa đáp ứng được yêu cầu của phía khách hàng. Đây là nguyên nhân khiến cho làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm vẫn quanh quẩn “ao làng”.
PGS.TS. Nguyễn Thừa Lộc, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, mặc dù một số làng nghề đã cố gắng cải thiện mẫu mã, đưa ra nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng nhưng giá trị văn hóa, tính ứng dụng trong đời sống vẫn chưa đạt tới. Thiết bị lạc hậu dẫn đến sản phẩm làm ra giá cả không cạnh tranh được với các nước, đặc biệt là Trung Quốc…
Ông Fumio Kato, Giám đốc dự án “Phát triển kênh bán hàng thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm và du lịch” trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Phát triển của JICA cho hay, nhược điểm của các làng nghề Việt nói chung và các nghệ nhân làng nghề nói riêng là không có thói quen ghi chép dữ liệu. Đó là xem mình đã làm gì và làm như thế nào, để từ đó rút ra kinh nghiệm cho những lần sản xuất.
Bên cạnh đó, sản phẩm của Việt Nam thường to, nặng, mẫu mã đơn điệu làm cho du khách muốn mua nhưng không mua được. Một nhược điểm nữa đó là làm việc chưa chuyên nghiệp như: Không đúng thời hạn giao hàng, khác biệt về chất lượng và sai số chất lượng lớn.
PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc nhận định, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang diễn ra, thách thức lớn nhất là làm trầm trọng hơn những nhược điểm vốn có của làng nghề như: Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm tụt hậu, chất lượng còn thấp. Bên cạnh đó, làng nghề chưa từng trải qua đầy đủ các cuộc cách mạng 2.0, 3.0 thì việc tiếp cận cuộc cuộc CMCN 4.0 sẽ gặp khó khăn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các làng nghề rất cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng về mặt chính sách ưu đãi, kết nối ngân hàng, xúc tiến thương mại, đất đai... Đặc biệt, cần định vị lại điểm xuất phát của các làng nghề đang đứng ở vị trí nào trong tiến trình từ 1,2,3, 4.0 hay là 0,4? Trên cơ sở này, mới đưa ra hướng đi phù hợp cho các làng nghề cần phát triển trong thời gian tới.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Vi Khải, đối với các địa phương, cần có quy hoạch làng nghề theo hướng bền vững. “Một chủ cơ sở sản xuất gốm chia sẻ để di dời cơ sở sản xuất của ông ta đến chỗ tập trung, phải mất từ 9 - 10 tỷ đồng. Như vậy, nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì các làng nghề không thể chuyển đổi và bảo đảm phát triển đồng bộ, tránh ô nhiễm môi trường được”, ông Khải nói.
Nhà nước cũng cần có chính sách trợ cấp, cải thiện môi trường kinh doanh để các làng nghề có thể tiếp cận với đất đai, nguồn vốn vay ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện để các làng nghề hấp thụ, tiếp thu công nghệ mới. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả cấp độ sản phẩm và cấp độ làng nghề.
Thực tế, sự phát triển của thế giới mạng và các thiết bị hỗ trợ như điện thoại thông minh, máy tính sẽ khiến cho thị trường của các sản phẩm làng nghề mở rộng hơn rất nhiều.
Nếu như trước đây, các làng nghề chỉ có thể phụ thuộc vào các hội chợ hay sự giới thiệu của các cơ quan Nhà nước để gặp gỡ đối tác thì bây giờ có thể tìm kiếm sản phẩm của các làng nghề bằng công cụ tìm kiếm internet. Bên cạnh đó, các làng nghề có thể dễ dàng nắm bắt được nhu cầu của khách hàng dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu kỹ thuật số…
Năm 2016, lần đầu tiên làng nghề Đồng Kỵ ra mắt sàn thương mại điện tử đã tạo ra tiếng vang lớn. Điều này, được xem như là hướng đi mới, tạo đột phá cho các làng nghề phát triển, quảng bá thương hiệu, giao dịch. Nhưng cho đến nay, thương mại điện tử còn rất hạn chế ở làng nghề Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung do các làng nghề vẫn chưa có hiểu biết nhiều về thương mại điện tử, cộng với sức ỳ, ngại đổi mới là một cản trở lớn khi áp dụng hình thức buôn bán này.
Theo PGS.TS Hoàng Đức Thân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để đẩy mạnh thương mại điện tử tại các làng nghề, các cơ quan quản lý, hiệp hội cần xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về thương mại điện tử để nâng cao nhận thức và hiểu biết cho doanh nghiệp, người dân tại các làng nghề. Các làng nghề xuất phát từ điều kiện thực tế của mình triển khai áp dụng các giai đoạn của thương mại điện tử.
Đồng thời, cần phát triển liên kết trong nội bộ làng nghề với bên ngoài trong phát triển thương mại điện tử; tăng cường hỗ trợ của Nhà nước cho thương mại điện tử tại các làng nghề; xây dựng môi trường thương mại điện tử hiện đại, đồng bộ.
Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần nhấn mạnh, với những cơ hội rất rõ ràng mà cuộc CMCN 4.0 đem lại cho các làng nghề, làng nghề muốn phát triển và vươn xa cần phải tự tái cơ cấu bền vững theo trình tự như: Tái cơ cấu sản phẩm, loại bỏ các sản phẩm truyền thống hiện có của làng nghề nhưng không phù hợp với nhu cầu khách hàng. Cùng với đó là sáng tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu, muốn vậy phải đưa giá trị văn hóa vào sản phẩm.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu thị trường theo hướng đa dạng hóa thị trường, xác định thị trường trọng điểm, xúc tiến thương mại cho sản phẩm ngay từ khi bắt đầu sản xuất; tái cơ cấu tổ chức quản lý, tái cơ cấu tài chính. Tái cơ cấu làng nghề là sự thay đổi cần thiết, rất cơ bản và toàn diện nhằm đưa làng nghề lên một bước phát triển mới.