Dầu khí là ngành kinh tế đặc biệt, có vai trò rất lớn với nền kinh tế. Trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển mà Đảng ta vừa thông qua tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, vai trò ấy một lần nữa được khẳng định.
Tại Hội nghị lần thứ 8 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa X về Chiến lược biển đến năm 2020. Chiến lược biển đến năm 2020 xác định khai thác, chế biến dầu khí là một trong năm lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Tuy vậy, đóng góp của ngành dầu khí vào kinh tế cả nước thời gian qua giảm rõ rệt. Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp của ngành dầu khí (bao gồm cả khai thác và chế biến dầu, khí) vào GDP khá cao và ổn định trong giai đoạn từ 2007 - 2010, với mức đóng góp trung bình là 10,83%; sau đó giảm xuống mức trung bình 7,21% trong giai đoạn 2010 - 2014, đến năm 2015 mức đóng góp này chỉ còn 3,79% và năm 2017 là 2,76%. Vì vậy, trong tầm nhìn mới về Chiến lược biển đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến ngành dầu khí, làm sao để ngành dầu khí tiếp tục giữ vững vai trò chủ đạo của mình và phát triển bền vững trong hội nhập cũng như trong bối cảnh Cách mạng 4.0 là vấn đề được đặt ra.
Tại một buổi tọa đàm “Ngành dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển” vừa được tổ chức ngày 28/10 tại Hà Nội, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều ý kiến về vấn đề này, bà Đinh Thị Phương Lan, Ủy viên Hội đồng Dân tộc trong đánh giá của mình đã nhấn mạnh, ngành dầu khí có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển. Ví dụ Nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi, bà Lan nhấn mạnh, ngoài tác động sâu rộng với địa phương, Nhà máy còn đặc biệt quan trọng với việc đảm bảo an ninh - quốc phòng. Bên cạnh nộp ngân sách địa phương, Nhà máy còn đóng góp 80% GDP của tỉnh. Cùng với đó, đời sống người dân, đặc biệt là giáo dục được nâng cao cho lớp trẻ, cùng với đó là các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển theo, góp phần phát triển ngành công nghiệp địa phương.
Chia sẻ định chiến lược phát triển trong thời gian tới của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), ông Phạm Xuân Cảnh – thành viên Hội đồng thành viên cũng cho biết, thời gian tới Tập đoàn tiếp tục phát triển theo 5 lĩnh vực theo đúng tinh thần của Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, trong đó xác định lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Hiện tại, PVN đang nỗ lực tập trung tái cấu trúc toàn diện các mặt hoạt động của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên. Bản thân Tập đoàn nhận thức việc Trung ương ban hành Nghị quyết về Chiến lược kinh tế biển sẽ là cơ hội, động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành Dầu khí trong đó PVN giữ vai trò mũi nhọn của ngành kinh tế biển.
Để có thể thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong định hướng phát triển mới, PVN mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện thể chế cho ngành dầu khí, đồng thời đề nghị sửa đổi Luật Dầu khí, trong đó đặc biệt liên quan đến các vấn đề về cơ chế, nguồn lực cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
Nói về tương lai của ngành dầu khí trong Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sau khi đánh giá tiềm năng của ngành này đã nhận định: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển dưới góc độ kinh tế, vai trò của ngành dầu khí còn được xác định trong chiến lược năng lượng quốc gia. Ông Phúc cho rằng, có 6 ưu tiên về phát triển kinh tế biển, thì ngành dầu khí chiếm 2: Khai thác dầu khí ở vị trí thứ 3 và vị trí thứ 5 là công nghiệp lọc hóa dầu.
“Tỷ trọng trong GDP và ngân sách nhà nước có xu hướng giảm, phù hợp với cơ cấu nền kinh tế, quy luật khách quan, nhưng giá trị tuyệt đối mà ngành dầu khí đóng góp cho GDP vẫn rất lớn.” - ông Phúc đưa ra nhận định và phân tích: Ngoài giá trị đóng góp ngân sách nhà nước lớn, dầu khí có vai trò cực kỳ quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng, kinh tế vĩ mô, an ninh trên biển, đối ngoại, có tác động lan tỏa của công nghiệp dầu khí và lao động, giải quyết việc làm, phát triển các ngành dịch vụ, tác động lan tỏa rất quan trọng. ngành dầu khí còn gắn với điều tra, khảo sát tài nguyên khoáng sản biển sâu. Vai trò của ngành dầu khí vì thế sẽ thay đổi, trong bối cảnh chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế, cũng như cuộc Cách mạng 4.0.
Riêng với khai thác dầu khí và các tài nguyên, khoáng sản biển khác, theo ý kiến các chuyên gia, sẽ theo hướng nâng cao năng lực, từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược. Ngành dầu khí hiện được đánh giá là đơn vị đi đầu trong cách mạng 4.0. Khoa học công nghệ được áp dụng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, sản xuất, kinh doanh của ngành dầu khí./.