Ngay từ ngày đầu thực hiện chính sách mở cửa về kinh tế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được Đảng và Nhà nước xác định đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, ảnh hưởng của khu vực này ngày càng lớn hơn, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là động lực thúc đẩy đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Tuy nhiên, đã đến lúc cần có những đánh giá tổng thể, khách quan nhằm thu hút hiệu quả hơn dòng vốn này.
Ba vấn đề lớn
Bên cạnh tư tưởng chủ đạo thống nhất khẳng định vai trò to lớn của FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng đã có những ý kiến khác nhau về thu hút và sử dụng FDI, tập trung vào ba vấn đề lớn. Thứ nhất, khu vực kinh tế trong nước hiện đã lớn mạnh, có thể thay thế khu vực FDI ở nhiều ngành, lĩnh vực, do đó cần cân nhắc về vị trí, vai trò của FDI trong thời gian tới. Thứ hai, đề nghị hạ tỷ lệ vốn FDI trong tổng đầu tư toàn xã hội xuống mức dưới 20%; quy định ngành, lĩnh vực không thu hút FDI để phát triển sản xuất trong nước và khống chế tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) theo quốc gia và vùng lãnh thổ tại một khu vực, địa điểm để bảo đảm an ninh quốc gia. Cuối cùng, mối quan hệ giữa FDI với tăng cường an ninh quốc gia và tiềm lực quốc phòng đất nước được bảo đảm ra sao trước thực trạng có một số nhà đầu tư “núp bóng” kinh doanh bất động sản; chuyển nhượng doanh nghiệp (DN), dự án, thành lập pháp nhân tại các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản để đầu tư vào Việt Nam…
Hiện nay, mặt trái của FDI cũng đang dần bộc lộ. Nhiều dự án tập trung ở một vài công đoạn trong các ngành sử dụng nhiều lao động để gia công, lắp ráp và chế biến; đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn còn rất hạn chế; một số dự án chưa bảo đảm tính bền vững, tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; một số DN FDI có biểu hiện sử dụng phương thức chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước; không bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động; liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước chưa đạt như kỳ vọng, tỷ lệ nội địa hoá trong một số ngành công nghiệp thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao; một số địa phương chưa chú ý tới vấn đề bảo đảm quốc phòng - an ninh tại một số địa bàn chiến lược và một số ngành, lĩnh vực nhạy cảm.
Đáng lưu ý, cùng với sự tăng trưởng của dòng vốn FDI vào Việt Nam đã kéo theo những lo ngại về sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực này, tỷ lệ đóng góp 20% trong GDP và 70% giá trị xuất khẩu của FDI có phần nào của DN trong nước không? Trong cuộc tổng điều tra kinh tế Việt Nam năm 2017, Tổng cục Thống kê lần đầu thực hiện điều tra về tình hình gia công hàng hóa với nước ngoài. Kết quả cho thấy: Năm 2016, có 1.740 DN Việt Nam đang thực hiện hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài nhưng tổng giá trị các DN Việt Nam thu được chỉ đạt 8,6 tỷ USD. Tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp đạt 20,2 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sau gia công, lắp ráp đạt 32,4 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong đó, các DN FDI chiếm tỷ trọng lớn nhất với giá trị đạt 25,6 tỷ USD, chiếm tới 78,9% tổng giá trị hàng hóa sau gia công. Hầu hết sản phẩm sau khi gia công được xuất khẩu, chỉ có khoảng 3,9% trị giá hàng hóa sau gia công bán tại Việt Nam. “Những số liệu này cho thấy tính liên kết giữa các DN trong nước và ngoài nước còn yếu, DN Việt Nam chủ yếu vẫn gia công cho nước ngoài”, Tổng Cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm đánh giá.
Hướng đến FDI thế hệ mới
Bối cảnh thế giới, khu vực và những thành tựu cũng như bài học khi nhìn lại sự nghiệp 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam đang đặt ra cho đất nước những cơ hội và thách thức mới trong thu hút và sử dụng FDI thời gian tới, đòi hỏi phải có chiến lược dài hạn đối với việc thu hút, quản lý và sử dụng FDI.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, quan điểm nhất quán của Chính phủ là: Mặc dù, chưa có sự phát triển đồng đều giữa DN trong nước và DN FDI, tuy nhiên cả hai khu vực này phải phát triển mạnh lên, phải kết nối được với nhau. Để làm được điều này, Việt Nam phải thu hút FDI có chọn lọc hơn. Cụ thể: chọn lọc FDI đầu tư vào những ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam, như nông nghiệp nông thôn, công nghệ cao... Chọn lọc DN công nghệ cao, bảo đảm các tiêu chuẩn và thân thiện với môi trường. Tăng cường năng lực của DN Việt Nam đáp ứng điều kiện tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu để DN FDI sẵn sàng liên kết với DN Việt Nam. “FDI là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và bất cứ bộ phận DN nào cũng có mặt tiêu cực và hạn chế. Điều quan trọng là làm thế nào để khai thác được mặt tích cực và khắc phục mặt chưa tốt của mỗi khu vực DN”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo Tổng kết 30 năm thu hút FDI, trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam sẽ có chính sách mới, định hướng mới và “bộ lọc” mới, chuyển từ thu hút FDI thụ động sang chủ động, chú trọng theo hướng lan tỏa, chuyển giao công nghệ và kết nối giữa DN trong nước và DN nước ngoài cho phù hợp với điều kiện thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Đáng chú ý, Cục Đầu tư nước ngoài sẽ xây dựng công cụ quản lý FDI bằng Bộ chỉ số để có cơ sở đánh giá toàn bộ từ quá trình hoạt động xúc tiến đầu tư, cấp ưu đãi đầu tư đến hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI. Tất cả sẽ được lượng hóa, giúp các địa phương dễ dàng hơn trong việc đưa ra lựa chọn của mình.
Chính sách pháp luật về ưu đãi đầu tư trong thời gian tới cần bảo đảm sự phát triển hài hòa, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Để thu hút đầu tư vào một ngành, lĩnh vực, trước tiên cần tạo sự thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua việc dỡ bỏ rào cản gia nhập ngành, minh bạch hóa thông tin chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng trước khi phải sử dụng đến biện pháp ưu đãi đầu tư. Cần đánh giá tác động trong quá trình ban hành chính sách ưu đãi đầu tư ở cả góc độ tích cực và tiêu cực để có cơ sở thẩm định, thẩm tra và thông qua dự án. Các chính sách ưu đãi đầu tư cần hết sức chú ý đến việc bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng về điều kiện, tiêu chí, thủ tục để hưởng ưu đãi. (Nguồn: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) |