Đi trên dòng chảy thời đại

13:52, 25/12/2018

"Đã đến lúc phải đi ra thế giới, chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam. Một giấc mơ quốc gia vĩ đại sẽ làm nên các doanh nghiệp vĩ đại, những con người vĩ đại".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST) được tổ chức cuối tháng 11/2018 tại thành phố Đà Nẵng.

Lời kêu gọi của Thủ tướng có cơ sở khi Việt Nam được đánh giá cao về mức độ tăng bậc liên tục trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu GII.

Theo đó, năm 2014 Việt Nam xếp thứ 71, năm 2016 xếp thứ  59, năm 2017 xếp   thứ 47 năm thì năm 2018 lên vị trí 45. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được từ trước tới nay và có thể nói là cột mốc đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc về các hoạt động ĐMST quốc gia.

Cùng với đó, xếp hạng chỉ số “Theo dõi doanh nhân toàn cầu” (GEM), Việt Nam xếp thứ 15/54 nền kinh tế được xếp hạng.

Điều đó cho thấy khát vọng của mỗi người Việt Nam sẽ hòa mình vào khát vọng lớn hơn của dân tộc về một đất nước thịnh vượng, người dân hạnh phúc.

Kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ

Kết quả chỉ số GII năm 2018 là minh chứng quan trọng cho kết quả chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.

Các chỉ số cụ thể đạt được bao gồm:

Thể chế vĩ mô tiếp tục được cải thiện đáng kể, điển hình như chỉ số về nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tăng mạnh, từ  74 lên  57; chỉ số về môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện tăng 10 bậc; nhóm chỉ số về trình độ thị trường tiếp tục có sự cải thiện với chỉ số về tín dụng tiếp tục tăng từ hạng 17 lên hạng 15.

Những chỉ số này thể hiện sự chỉ đạo và những giải pháp của Chính phủ trong việc đảm bảo kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, cùng các giải pháp tập trung vào giảm lãi suất cho vay bình quân của hệ thống ngân hàng thương mại, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng định hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nhóm chỉ số về trình độ kinh doanh tăng 7 bậc, là nhóm có sự cải thiện thứ hai sau thể chế. Trong đó, đáng kể nhất là chỉ số chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng 23 bậc lên thứ 13; chỉ số chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp tăng 4 bậc lên thứ 48; chỉ số hợp tác đại học và doanh nghiệp tăng 17 bậc lên thứ 59. Đây đều là những yêu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là phát triển dựa trên hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) và đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, với chỉ số mới về sáng tạo trực tuyến là chỉ số tạo ứng dụng di động, một chỉ số về phát triển kinh tế số, Việt Nam được xếp hạng 16, thay cho vị trí thứ 52 về tải video lên youtube của năm 2017.

Xếp hạng đổi mới sáng tạo cao hơn thứ hạng GDP

Theo theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nếu so sánh với thứ hạng GDP thì xếp hạng ĐMST quốc gia của Việt Nam có sự vượt trội hơn hẳn.

Cụ thể, với 37,94/100 điểm, Việt Nam đứng thứ 45/126 quốc gia về chỉ số ĐMST; tỷ lệ ĐMST hiệu quả đạt 0,8 (xếp hạng 16). Riêng trong nhóm thu nhập trung bình thấp, chỉ số ĐMST của Việt Nam xếp thứ 2/30 nước, đứng trên Moldova, Ấn Độ và Mông Cổ.

Đặc biệt Việt Nam xếp thứ 2 trong nhóm 30 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đánh giá. Báo cáo GII 2018 cũng cho thấy Việt Nam nằm trong TOP 5 của nhóm thu nhập trung bình thấp trong tất cả các chỉ số chính về ĐMST.

Báo cáo GII 2018 chỉ ra một yếu tố quan trọng khiến Việt Nam đạt được thứ hạng cao là sự đầu tư cho giáo dục trong những năm gần đây. Cụ thể, Việt Nam đã đứng đầu 2 năm liền (2017 và 2018) về chi tiêu cho giáo dục trong số các quốc gia ASEAN. Đây rõ ràng là đóng góp lớn của ngành giáo dục đối với tăng trưởng về ĐMST quốc gia khi chi tiêu cho giáo dục tính theo GDP là 5,7% - xếp thứ 29/126 quốc gia.

Giáo dục đại học bứt phá từ Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị

Một thông tin đáng mừng khác đó là Việt Nam xếp thứ 18/126 quốc gia về giáo dục (Báo cáo GII 2018). Đây có thể coi là thành công bước đầu rất đáng kể của toàn ngành giáo dục sau khi Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị  “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” ban hành ngày 4/11/2013 được triển khai mạnh mẽ.

Đầu tư cho giáo dục không chỉ thể hiện ở việc đẩy mạnh chi tiêu chung mà đặc biệt còn được thể hiện qua việc đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học (NCKH).

Một trong số các mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là hoạt động NCKH, được thể hiện thông qua số lượng NCKH của các cơ sở giáo dục đại học, qua các thông số quốc tế và khả năng ứng dụng thực tiễn.

Năm 2010, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 56.000 cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng chỉ có khoảng 1.100 giảng viên (chiếm 3%) tham gia NCKH và rất ít giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu.

Đại học Việt Nam trên bảng xếp hạng QS Asia 2019.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 29, theo Báo cáo Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2016, khu vực các trường đại học đóng góp hơn 50% tổng số nhân lực khoa học công nghệ (KHCN) trong cả nước. Tính đến hết năm 2017, trong các cơ sở giáo dục đại học đã có 945 nhóm nghiên cứu.

Các nhà khoa học trong ngành giáo dục đã có nhiều đóng góp cho phát triển giáo dục, kinh tế - xã hội, đạt được nhiều giải thưởng quốc tế và quốc gia…

Theo công bố của Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Vương quốc Anh về kết quả bảng xếp hạng QS ASIA 2018-2019 cho 505 trường đại học hàng đầu châu Á, Việt Nam có 7 trường đại học góp mặt.’

Đại học Quốc gia Hà Nội (xếp hạng 124), Đại học Quốc gia TPHCM (144), Đại học Bách khoa Hà Nội (nhóm 261-270), Đại học Tôn Đức Thắng (nhóm 291-300), Đại học Cần Thơ (nhóm 351-400), Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng (nhóm 451-500).