Muốn đánh giá cán bộ có tài năng, đạo đức hay không, cần nhìn vào hành động, nhìn vào hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao, nhìn vào sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp… Đó chính là căn cứ chọn lựa, sàng lọc để đất nước có được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược xứng tầm.
Cán bộ cấp chiến lược được xác định là đội ngũ lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nói đến cán bộ cấp chiến lược là nói đến lực lượng tinh hoa trong xã hội, có trí tuệ, năng lực và phẩm hạnh vượt trội, đại diện cho hồn cốt, tinh tuý dân tộc, là nguyên khí của quốc gia, đủ tầm dẫn dắt đất nước phát triển bằng tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Cán bộ cấp chiến lược với tư cách là người đứng đầu, có khả năng kiểm soát và gây ảnh hưởng đến các nguồn lực lớn trong xã hội như vốn, thông tin, quan hệ. Và họ trở thành đối tượng để các nhóm lợi ích tiếp cận, kết giao, tìm cách mua chuộc… Không những thế, ở vị trí cao trong bộ máy, cán bộ cấp chiến lược cũng có khả năng vận dụng các kẽ hở của pháp luật, sự không đồng bộ trong cơ chế chính sách, cũng như các mối quan hệ để che chắn cho hành vi vụ lợi, không trong sáng của mình… Do đó, xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược chính là công việc hệ trọng, “then chốt” của mọi “then chốt”.
Trong tháng 12 này, các cấp ủy, tổ chức đảng đang tiến hành quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Hội nghị Trung ương 9 (khóa XII) dự kiến diễn ra cuối tháng 12 này cũng sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư..., và xem xét tờ trình quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Dứt khoát không đưa vào Quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như "con lươn, con chạch"...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Quy hoạch lần này khác trước là làm quy hoạch cho nhiều khóa. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là làm thận trọng, tập trung nhưng dân chủ, công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, không được mang tính lợi ích”.
Liên quan đến nội dung này, phát biểu tại hội nghị trực tuyến của ngành Tổ chức Xây dựng Đảng toàn quốc mới đây, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương từ cơ sở gồm 4 bước, trong đó đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức Đảng. "Cơ chế, quy trình liên quan đến công việc trên được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo kế hoạch của Bộ Chính trị cũng như hướng dẫn liên quan; phát huy tối đa dân chủ, công khai để hạn chế "chạy phiếu bầu, chạy quy hoạch" cũng như các tiêu cực, yếu kém khác" – đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Bước đi thận trọng đó của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng về công tác cán bộ là hoàn toàn có cơ sở và rất cần thiết trong giai đoạn cả trước mắt và lâu dài. Bởi tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XI, khi chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm: “Không để "lọt" vào Trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham nhũng, lợi ích nhóm, vun vén cho gia đình…”.
Nhưng sau Đại hội XII, công tác nhân sự vẫn “để lọt” cán bộ có vi phạm vào bộ máy, kể cả ở cấp Trung ương lẫn địa phương. Qua nửa đầu nhiệm kỳ, có gần 50 cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu một số cơ quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả đương chức và về hưu, bị thi hành kỷ luật, để lại những bài học đắt giá trong công tác xây dựng Đảng.
Rồi tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “chạy quy hoạch”, “chạy luân chuyển” còn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đó là chưa nói đến việc bổ nhiệm cán bộ “thần tốc”, “cả nhà làm quan”, “cả Sở làm lãnh đạo” xảy ra ở một số địa phương thời gian qua như Quảng Nam, Hải Dương, Thanh Hóa… Đáng chú ý, có những cán bộ suy thoái phẩm chất, năng lực yếu vẫn được đánh giá, nhận xét tốt, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thậm chí được khen thưởng, cất nhắc, bổ nhiệm, có cơ hội “leo cao, chui sâu” vào bộ máy. Từ đó cho thấy, công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, hình thức và không thực chất.
Đất nước lúc này cần lắm một thế hệ cán bộ cấp chiến lược hội đủ những tiêu chuẩn căn bản của Đức, Tài để dẫn dắt sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh. Hiền tài của quốc gia thời nào cũng có và ngày nay chúng ta tin chắc là không thiếu. Điều quan trọng nhất là cách thức nhận diện ra họ là ai, ở đâu và bằng cách nào? Nếu cứng nhắc, rập khuôn, khép kín và thiếu cái tâm trong sáng, thì khó lòng xây dựng được lực lượng rường cột của hệ thống chính trị và của bộ máy nhà nước.
Thiết nghĩ, ngoài việc chúng ta phải giới thiệu nhân sự một cách khoa học, bài bản, công phu, kỹ lưỡng, tiêu chuẩn rõ ràng, quy trình chặt chẽ thì đòi hỏi công tác tổ chức phải nâng tầm, với con mắt nhìn xa, với các kênh khác nhau trong đánh giá cán bộ, từ đó mới chọn được những người xứng đáng nhất đưa vào quy hoạch. Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược sẽ không có chuyện “xếp hàng”, chen chỗ, chen chân, mà sẽ có những “đột phá” để chọn bằng được những cán bộ trẻ tài đức thật sự.
Điều cần nhất lúc này là các cấp uỷ, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, đặc biệt là người đứng đầu địa phương, tổ chức phải thực sự nêu cao trách nhiệm, bổn phận của mình trong việc xem xét, giới thiệu nhân sự quy hoạch.
Muốn đánh giá cán bộ có tài năng, đạo đức hay không, cần nhìn vào hành động, nhìn vào hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao, nhìn vào sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp… Đó chính là căn cứ chọn lựa, sàng lọc để đất nước có được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược xứng tầm./.