Từ ngày 6-12, Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (gọi tắt là Trung tâm GÐTL) thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức đưa vào hoạt động chức năng giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh với sự phối hợp của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an; nhằm ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền, góp phần lành mạnh hóa thị trường mỹ thuật.
Cơ quan quản lý đích thân vào cuộc
Nhiều năm nay, tình trạng tranh giả, tranh nhái, vi phạm bản quyền được coi là một "căn bệnh nan y" của mỹ thuật nước nhà. Giới mỹ thuật, nhiếp ảnh đã xảy ra không ít vụ lùm xùm về những chuyện tranh chấp bản quyền tranh, ảnh; không chỉ ở các cuộc đấu giá, ga-lơ-ry bán tranh, mà cả ở những triển lãm lớn với một số tác phẩm đoạt giải thưởng. Vì vậy, nhu cầu có đơn vị làm công tác "trọng tài", giám định tác phẩm trở thành đòi hỏi bức thiết. Sau một thời gian khuyến khích, vận động, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân đứng ra thực hiện hoạt động giám định tác phẩm như thông lệ quốc tế nhưng không đơn vị nào làm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định để Trung tâm GÐTL đảm nhiệm công việc này. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có yêu cầu nếu đầy đủ hồ sơ và các điều kiện (trong đó có tác phẩm cần giám định) sẽ được ký hợp đồng và thực hiện giám định. Về nghệ thuật, có ba hội đồng giám định thuộc các lĩnh vực: Hội họa - Ðồ họa, Ðiêu khắc và Nghệ thuật sắp đặt, Nhiếp ảnh; với sự tham gia của các nghệ sĩ, chuyên gia tên tuổi trong giới, như: các họa sĩ Lương Xuân Ðoàn, Thành Chương, Phan Cẩm Thượng, Lê Anh Vân…, nhà điêu khắc Vương Học Báo, Lê Lạng Lương, Hoa Bích Ðào…, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh, Mã Thế Anh, Trần Việt Văn… Cùng với đó, là sự hợp tác, hỗ trợ của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an trong việc thực hiện công tác kỹ thuật phòng, chống tội phạm và giám định tác phẩm. Về kinh phí, bao gồm kinh phí cho Hội đồng giám định và kinh phí để kiểm tra bằng công nghệ kỹ thuật, mời chuyên gia khi cần thiết, còn lại nộp thuế cho Nhà nước theo quy định; được thỏa thuận giữa Trung tâm GÐTL và tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định. Theo Trung tâm GÐTL, xác định đây là dịch vụ công phục vụ nhu cầu của xã hội cho nên mức phí đưa ra cho hoạt động này rất thấp, nhất là đối với những tác phẩm có giá trị cao, trong khi nhiều nước trên thế giới tính theo phần trăm (%) của giá tranh cho nên chi phí này không hề nhỏ. Và sự tham gia của các thành viên hội đồng nghệ thuật là thật sự đáng quý bởi mức thù lao ít mà áp lực lại nhiều; các nghệ sĩ đã thể hiện nhiệt tâm và bản lĩnh khi chung tay chia sẻ cùng nhà quản lý và giới mỹ thuật trong cuộc chiến bảo vệ bản quyền. Tuy nhiên đây là việc làm hết sức cần thiết, để góp phần tạo dựng sự công khai, minh bạch của thị trường mỹ thuật nước nhà; chống nạn vi phạm bản quyền tồn tại dai dẳng thời gian qua.
Hy vọng "thuốc đặc trị"?
Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho biết, xây dựng và tổ chức hoạt động một đơn vị giám định mỹ thuật là công việc rất khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật viên và việc sử dụng, bảo dưỡng… Nhưng bởi lâu nay, độ tin cậy đối với các hội đồng thẩm định (của các đơn vị đấu giá, mua bán, triển lãm…) không cao cho nên rất cần thiết phải có sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Và việc "bắt tay" với Bộ Công an là giải pháp tối ưu. Nhấn mạnh hoạt động giám định mỹ thuật của Trung tâm GÐTL ra đời đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội, đặc biệt với tình trạng tràn lan các hành vi vi phạm bản quyền mỹ thuật, Thượng tá Ðồng Ðắc Thọ, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho biết: Viện Khoa học hình sự hợp tác với Trung tâm GÐTL ở hai lĩnh vực: thứ nhất, giám định tác phẩm giúp xử lý hành vi vi phạm bằng các biện pháp khoa học (hóa học, sinh học), với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc và đội ngũ giám định viên; thứ hai, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ xa việc làm giả, nhái, "ăn cắp" bản quyền bằng nghiệp vụ công an mà không cần phải làm giám định. Trước băn khoăn của họa sĩ Phan Cẩm Thượng về sự cần thiết phải bảo đảm tính nguyên bản của tác phẩm (không được cắt, cạy ra khi thẩm định), Thượng tá Thọ khẳng định, ngành khoa học hình sự với kỹ thuật chuyên sâu, có thể tổng hợp nhiều phương pháp để thực hiện giám định như căn cứ vào chữ ký, ký hiệu hình dấu, đặc điểm riêng của từng tác giả... mà không làm tác động, thay đổi tác phẩm; hoạt động này sẽ hết sức khách quan, khoa học vì mục đích đem lại sự minh bạch cho mỹ thuật nước nhà.
Năm 2015, Trung tâm Giám định quyền tác giả và quyền liên quan thuộc Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra đời, nhưng thời gian qua hầu như không có hoạt động thẩm định mỹ thuật và cũng không có tác giả, vụ việc tranh chấp mỹ thuật, nhiếp ảnh nào "gõ cửa". Vì vậy, Trung tâm GÐTL với chức năng giám định hy vọng sẽ là một địa chỉ tin cậy, góp phần xử lý những vướng mắc về bản quyền mỹ thuật. Ðơn vị chủ quản cũng bày tỏ mong muốn, nếu sau này có tổ chức, cá nhân nào đứng ra làm tốt, hoạt động giám định đi vào nền nếp thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ sẵn sàng ngừng lại, không can thiệp, để thị trường mỹ thuật nước nhà hoạt động theo thông lệ quốc tế. Ðáng mừng, song cũng không hoàn toàn kỳ vọng giám định mỹ thuật trở thành liều "thuốc đặc trị" với căn bệnh tranh giả, vi phạm bản quyền; đó là quan điểm của Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành. "Ðây chỉ là một mắt xích, một thiết chế cần thiết để vận hành, góp phần làm công khai, minh bạch thị trường mỹ thuật. Còn khắc phục, hạn chế đến đâu phải một thời gian nữa mới có thể nói được. Sau sự ra đời đơn vị giám định nhà nước với sự tham gia của ngành công an, chắc chắn những người thường chủ tâm thực hiện hành vi sai phạm sẽ chuyển sang hoạt động tinh vi, kín đáo hơn. Vì vậy, điều quan trọng là vẫn cần có sự tuân thủ pháp luật của cả giới sáng tác và kinh doanh nghệ thuật; đạo đức, tự trọng của người nghệ sĩ cần được đề cao để tự bảo vệ những thành quả sáng tạo của mình", ông Thành khẳng định.