Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ: Luật lần này khuyến khích các trường lớn có tiềm lực sát nhập thành những đại học lớn, hoặc một số trường trong cùng một nhóm ngành, địa phương kết hợp với nhau thành những đại học lớn đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.
Ngay sau khi Văn phòng Chủ tịch nước công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), ngày 11/12, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề làm thế nào để Luật sớm đi vào cuộc sống?
Phóng viên (PV): Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH vừa được thông qua tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIV có những thay đổi gì so với Luật GDĐH hiện hành, thưa đồng chí?
Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Luật GDĐH vừa được Quốc hội thông qua có 4 nhóm chính sách mới. Chính sách lớn nhất, bao trùm lên toàn bộ các vấn đề được sửa đổi bổ sung là mở rộng tự chủ và nâng cao tự chủ của toàn hệ thống. Cùng với nâng cao tự chủ là những chính sách đi kèm theo là đổi mới quản trị ĐH, kiện toàn Hội đồng trường.
Trong đó, Hội đồng trường phải là cơ quan quyền lực cao nhất của trường ĐH, có toàn quyền quyết định về nhân sự chủ chốt (Hiệu trưởng), chiến lược phát triển của nhà trường cũng như các chủ trương đầu tư lớn. Là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu (các ĐH công lập), tiếp nhận quyền tự chủ từ nhà nước để triển khai tự chủ ở các cơ sở GDĐH. Đồng thời, trên cơ sở đó, các trường cũng phải ban hành các quy định, quy chế nội bộ của mình để thực hiện công khai, minh bạch trong toàn trường cũng như để xã hội giám sát.
Luật lần này cũng chú trọng phát triển hệ thống, đặc biệt là khuyến khích các trường lớn có tiềm lực sát nhập thành những đại học lớn, hoặc một số trường trong cùng một nhóm ngành, địa phương kết hợp với nhau thành những ĐH lớn đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.
Với cơ chế đó, các trường cũng có thể hỗ trợ cộng lực nhau trong phát triển nâng cao tính cạnh tranh của ĐH Việt Nam với thế giới.
Trong Luật này cũng chú trọng phát triển hệ thống ĐH tư thục và các ĐH tư thục được phát triển bình đẳng gần như là toàn bộ với các trường công lập. Đặc biệt là các hoạt động về chuyên môn.
PV: Thưa đồng chí, lộ trình tự chủ vẫn chậm so với kỳ vọng, lộ trình này sẽ mở và được đẩy nhanh ra sao với việc Luật GDĐH có hiệu lực chính thức từ 1/7/2019?
Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Với chính sách bao trùm là tự chủ, thì cơ chế tự chủ cao từ gói gọn trong 5 ĐH và 23 trường thí điểm sẽ mở rộng cho toàn hệ thống. Nhìn chung, chúng tôi thấy các trường rất trông đợi Luật được thông qua. Khi Luật chính thức có hiệu lực, các trường sẽ có điều kiện phát huy sự năng động sáng tạo của mình trong tất cả các phương diện hoạt động: học thuật, tài chính, nhân sự làm sao cho hiệu quả nhất để phục vụ cho chính sách chất lượng phát triển của nhà trường để cạnh tranh trong toàn hệ thống và với quốc tế.
Với các điều khoản mới trong Luật ĐH lần này, sẽ giảm đáng kể thời gian về thủ tục hành chính. Trước đây là phải báo cáo, đăng ký, đợi sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được mở ngành đào tạo, tuyển dụng bổ nhiệm nhân sự cấp cao. Nay trường sẽ được quyết ngay sau khi mình có đủ điều kiện. Đó là những cơ chế thúc đẩy cho hệ thống phát triển.
PV: Luật GDĐH mới sẽ cho phép các trường ĐH được mở ngành ở tất cả các trình độ trên cơ sở các điều kiện. Vậy, chúng ta sẽ kiểm soát việc này như thế nào?
Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Nói là các trường được tự chủ mở ngành, có nghĩa là các trường được tự quyết định việc mở ngành mà không phải xin phép hay đăng ký cơ quan quản lý về chuyên môn như trước đây. Còn các điều kiện mở ngành, tiêu chuẩn chất lượng để mở ngành thì Luật vẫn phải giữ. Thậm chí còn phải quy định chặt chẽ hơn. Những tiêu chuẩn mở ngành như căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường, nội lực của nhà trường (hệ thống giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo) cho ngành đó như thế nào. Rồi căn cứ vào sự chấp nhận của xã hội cho ngành đó đối với sản phẩm của nhà trường. Tức là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của trường đó trong những năm trước ra sao thì mới có thể được mở ngành mới...
Như vậy tiêu chuẩn chất lượng vẫn giữ nguyên. Nếu trường đủ điều kiện mở ngành về chương trình, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì sẽ được mở ngành. Nhưng điều kiện để trường tự quyết định cũng được nâng cao hơn. Trước đây, cũng cơ quan thẩm quyền kiểm duyệt, nay cơ quan thẩm quyền không cấp phép nữa, nhưng các trường phải chứng minh nội lực của mình. Ví dụ, trường phải được kiểm định rồi, thì mới được mở các ngành của trình độ ĐH. Ngành đào tạo của trình độ ĐH phải được kiểm định rồi thì mới được mở các ngành đào tạo thạc sĩ tương ứng. Ngành đào tạo thạc sĩ được kiểm định rồi mới được mở ngành tiến sĩ phù hợp. Đó là những cơ chế để kiểm định chất lượng.
Ngoài ra, việc mở ngành còn phải do Hội đồng trường quyết định. Mà Hội đồng trường theo quy định mới, không chỉ những người trong trường mà còn cả những người ngoài trường với tỷ tệ tối thiểu là 30% là các nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học, các cơ quan của tổ chức khác. Những người này sẽ xem xét việc xã hội có cần ngành học đó hay không, điều kiện đảm bảo chất lượng của trường có đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo của ngành học đó hay không. Điều đó có nghĩa rằng, nhà trường phải cân nhắc tới năng lực của mình có đáp ứng được yêu cầu đào tạo đó không?
PV: Theo quy định, Luật sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2019 tới đây. Vậy, Bộ GDĐT đã chuẩn bị cho việc này như thế nào?
Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng: Thực tế ngay khi dự thảo sửa Luật, chúng tôi cũng đã chuẩn bị danh mục các văn bản hướng dẫn luật. Hiện nay, để hướng dẫn Luật sửa đổi bổ sung một số luật, bộ GD &DDT sẽ xây dựng hai Nghị định hướng dẫn trực tiếp, đó là Nghị định hướng dẫn chung Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH và Nghị định riêng hướng dẫn về tự chủ ĐH. Hiện nay cả 2 nghị định đều có dự thảo. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng rà soát lại tất cả các quy chế đào tạo như đào tạo trình độ Cao đẳng Sư phạm, trình độ thạc sĩ, văn bằng 2… tất cả những quy chế đào tạo đều phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với những quy định mới nhất của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH với tinh thần trao quyền tự chủ cho các trường ĐH.
Trong quá trình làm Luật, suốt thời gian qua, hầu hết các trường ĐH đều đã đồng hành với Ban soạn thảo trong quá trình sửa đổi, bổ sung lấy ý kiến đóng góp. Đặc biệt là các hội thảo lấy ý kiến của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, là những đối tượng quan tâm và chịu tác động nhiều nhất của Luật. Có thể nói, toàn khối giáo dục ĐH đã đồng hành cùng Ban soạn thảo trong quá trình làm Luật.
Các trường ĐH đều đã nắm được nội dung, tinh thần của những điều chỉnh lần này. Có thể nói họ đã sẵn sàng cho triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Tới khi Luật chính thức có hiệu lực vào 1/7/2019, thì các văn bản dưới Luật đi kèm của bộ, các Điều lệ quy định của nhà trường cũng sẽ sẵn sàng để triển khai, áp dụng Luật chính thức.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!