Kiểm toán kiến nghị nhiều giải pháp chống tham nhũng, sai phạm về đất đai

17:27, 06/12/2018

Ngày 6-12, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng KTNN nhấn mạnh: Đất đai, tài nguyên khoáng sản là những nguồn lực vô cùng quý giá của quốc gia, nếu khai thác, quản lý và sử dụng hiệu quả sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước. Thời gian qua, việc phát huy sử dụng nguồn lực đất đai, tài nguyên khoáng sản và việc bảo vệ môi trường đã góp phần quan trọng làm tăng trưởng nhanh về kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách, giảm bội chi ngân sách nhà nước, đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Tuy nhiên, thực trạng hoạt động quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường đã có một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, lãng phí, thất thoát nguồn lực đất nước, gây bức xúc trong dư luận. Đó là công tác quy hoạch đất còn thiếu tính toán về hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường; lợi ích của nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; tham nhũng, tiêu cực thất thu ngân sách trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn; nhiều sai phạm nổi cộm liên tiếp xảy ra, các vụ án tham nhũng trong vi phạm đất đai chiếm tỷ lệ cao trong thời gian gần đây.

Nguyên nhân của những hạn chế này là do chấp hành pháp luật đất đai không nghiêm, quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm từ các cấp quản lý. Bên cạnh đó còn do những bất cập của hệ thống pháp luật gây nên sự lúng túng, hiểu nhầm, cố tình lợi dụng để gây sai phạm, làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Dẫn thí dụ về sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, vụ việc Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Thủ Thiêm là những sai phạm điển hình. “Giai đoạn 2014 đến nay, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp, ở hầu hết các nội dung và cấp quản lý, tổ chức cá nhân sử dụng đất. Mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, kéo dài và chậm bị xử lý, gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội. Do đó, cần phải nhận diện, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, tránh thất thoát tài sản cho nhà nước và xã hội”, TS Vũ Đình Ánh nói.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu thống nhất đề xuất giải pháp cần thay đổi phương pháp tính giá đất; minh bạch công tác quy hoạch đất đai; tăng cường vai trò của các tổ chức giám sát như Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc… Trong đó, việc hoàn thiện pháp luật về đất đai là hết sức quan trọng, bao gồm phương pháp xây dựng giá đất phù hợp với giá thị trường để tránh tình trạng các bên lợi dụng gây thất thoát, tham nhũng. Tiếp tục phát huy vai trò của KTNN về thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công như quy định của Hiến pháp và pháp luật.