Sau hơn 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến dài, với những thành tựu kỳ diệu. Tuy nhiên, nông nghiệp cũng đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, cần được tháo gỡ, đầu tư một cách đồng bộ để phát triển nhanh và bền vững.
Trong 10 năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 261,2 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 20,5 tỷ USD so với năm 2008. Dự kiến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40 tỷ USD. Đó là những thành tựu đáng tự hào.
Tuy nhiên, đến nay nền nông nghiệp của nước ta vẫn bộc lộ những hạn chế, nhìn chung là sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính quy hoạch và liên kết, dẫn đến chất lượng tăng trưởng, hiệu quả không cao, kém bền vững. Tình trạng canh tác không hiệu quả dẫn đến nông dân bỏ ruộng hoang, lãng phí nguồn tài nguyên đất đai là một thực tế diễn ra ở không ít địa phương.
Để khắc phục những hạn chế đó, nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu của giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay thì có nhiều điều phải tiến hành đồng bộ.
Trước hết là nâng cao trình độ của người nông dân. Trong cả nước đã xuất hiện những nông dân biết áp dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ trong trồng cây ăn trái, trồng hoa, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… để có những sản phẩm chất lượng cao. Đó là những điển hình tiên tiến mà địa phương nào cũng có, nhưng lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Hiện nay còn khoảng 70% lao động nông thôn chưa được học nghề, số học nghề 3 tháng có chứng chỉ chưa đến 5%. Hơn nữa, lực lượng nông dân có chứng chỉ nghề mới chỉ biết sản xuất hàng hóa, còn lại các kiến thức về thị trường để tiêu thụ sản phẩm thì chưa đáp ứng được. Do đó, kiến thức và kỹ thuật canh tác mới... là nguồn lực quan trọng rất cần với người nông dân.
Đi cùng với nâng cao năng lực là tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, cùng với sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp, nhiều loại máy móc thiết bị đã được đưa vào sử dụng để thay thế lao động thủ công, giải quyết khâu lao động nặng nhọc, đáp ứng tính thời vụ, giảm tổn thất trong sản xuất. Đã có nông dân nhập công nghệ tưới của Israel, nhập giống vật nuôi của Mỹ, hạt giống của Nhật… đạt hiệu quả cao. Vấn đề đặt ra là làm sao để tỷ lệ áp dụng công nghệ cao đó ngày càng gia tăng. Lợi ích của ứng dụng công nghệ cao rất dễ nhận thấy là mang lại năng suất cao, chất lượng nông sản tốt, tiết kiệm đất đai, tiết kiệm nước tưới, giảm chi phí sản xuất, từ đó giá thành sản phẩm giảm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế tác động tới môi trường.
Điều kiện rất cần để nông dân có thể đầu tư nâng cao trình độ và nhập dây chuyền, công nghệ hiện đại là vốn. Nhà nước và hệ thống ngân hàng đã có những chính sách cho nông dân vay vốn, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ nhằm tạo thuận lợi tốt nhất để nông dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Điều kiện tiếp theo là tích tụ đất đai cho nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn. Chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất, hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường, đã được đặt ra nhưng triển khai trên thực tế còn rất khó khăn. Tích tụ ruộng đất cần được đánh giá tính cần thiết cũng như tác động đến các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường để có những chính sách phù hợp, kịp thời. Đây là bước đi tất yếu để Việt Nam có được một nền nông nghiệp phát triển.
Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam giai đoạn 2011 -2020 đã đề ra mục tiêu sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 50% trong giá trị sản xuất các sản phẩm chủ yếu vào năm 2020. Mục tiêu đã rõ ràng, nhưng chỉ còn hai năm nữa, làm sao để đạt mục tiêu là vấn đề không dễ!