Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

16:16, 03/01/2019

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Nông nghiệp - PTNT với 63 tỉnh, thành trong cả nước diễn ra ngày 3-1, tại Thủ đô Hà Nội.

Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan.

Năm 2018, ngành Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 5/5 chỉ tiêu đề ra. Cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng GPD đạt 3,76%, cao nhất trong 7 năm gần đây; giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40,02 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 42,4%; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,65%…

Đối với tỉnh Thái Nguyên, năm 2018, ngành Nông nghiệp - PTNT cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể: Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt trên 13 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2017;  sản lượng lương thực cả năm 2018 ước đạt trên 466 nghìn tấn, tăng 1,7% cùng kỳ và bằng 107,3% kế hoạch; diện tích trồng chè mới và trồng lại toàn tỉnh cả năm 2018 ước đạt 1.037 ha, bằng 133,6% kế hoạch...

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật song ngành Nông nghiệp nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ như: Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao; chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa người dân và doanh nghiệp; vẫn còn tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ chậm, giảm giá, nhất là vào chính vụ; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp…

Năm 2019, ngành Nông nghiệp - PTNT phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 3%; giá trị sản xuất đạt trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 42-43 tỷ USD; có từ 48-50% số xã và 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các bộ, ban ngành, các địa phương cần tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Song song với đó, thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của Quốc gia, tỉnh, địa phương gắn với chương trình mỗi xã phường một sản phẩm; làm tốt công tác dự báo thị trường.

Để tạo bước đột phát cho phát triển nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban ngành, các địa phương tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nông nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao và bền vững; không để nền nông nghiệp Việt Nam, người nông dân nước nhà đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp này…