Ngay sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, các nước thành viên cam kết xóa bỏ gần như 100% số dòng thuế… Nhật Bản cam kết xóa bỏ 86% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ nhiều dòng thuế với các thành viên tham gia hiệp định.
CPTPP có bộ nguyên tắc xuất xứ "chặt" nhưng linh hoạt
Lợi ích từ việc giảm thuế khá lớn, nhưng tại hội thảo “CPTPP với doanh nghiệp: Lợi ích hay thách thức?” vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Bùi Kim Thùy, thành viên đàm phán các FTA của Việt Nam, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam cho rằng, đàm phán thuế quan và đàm phán Quy tắc xuất xứ có vai trò quan trọng ngang bằng như hai chân song hành. Chỉ khi vượt qua được các đòi hỏi về nguyên tắc xuất xứ thì các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường mới được hưởng mức ưu đãi. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có ý thức tìm hiểu cụ thể và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc xuất xứ để có thể xuất khẩu hàng hóa. “Quy tắc xuất xứ sẽ xác định hàng hóa nhập khẩu đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan hay không đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa "thuận lợi hóa thương mại" và "phòng tránh gian lận thương mại" – bà Thùy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đo mức độ tận dụng ưu đãi FTA với các thành viên. Khi nhìn vào tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam đến quốc gia nào đó, nhà làm chính sách cần xác định có bao nhiêu % trong đó được hưởng thuế quan. Từ việc đo mức độ ưu đãi, cơ quan quản lý cần điều chỉnh chính sách để hưởng ưu đãi nhiều hơn. Nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ ưu đãi, các nước sẽ được cấp C/O ưu đãi. Đây mới là giấy thông hành, cam kết pháp lý quan trọng nhất để các nước được hưởng ưu đãi thuế quan. Tiếp về quy tắc xuất xứ của CPTPP, bà Thùy cho biết xuất xứ thuần túy được hiểu trong các FTA cũ là 100% các nguyên vật liệu tạo nên sản phẩm phải nằm toàn bộ trong quốc gia đó. Đây là quy tắc xuất xứ chặt để ngăn chặn các quốc gia không phải là thành viên của hiệp định tận dụng các ưu đãi thuế, hay còn được gọi là "free rider".
Về yếu tố cộng gộp trong CPTPP, nguyên liệu nhập khẩu không đạt xuất xứ CPTPP nhưng có giá trị gia tăng trong CPTPP (dù chỉ 1%). Khi đó, số phần trăm giá trị gia tăng thực tế của nguyên liệu đó sẽ được cộng gộp để tính hàm lượng CPTPP trong sản phẩm được sản xuất tại nước xuất khẩu sản phẩm đó.
Dệt may được ưu ái bậc nhất trong CPTPP
Theo bà Bùi Kim Thùy, CPTPP là Hiệp định duy nhất Việt Nam tham gia có chương dệt may đứng riêng mà không chung với bất cứ chương nào khác. Chưa bao giờ ngành này được ưu ái như vậy. Do đó, dệt may được dự báo sẽ là ngành chịu tác động lớn nhất vì những quy định về xuất xứ hàng hóa trong CPTPP, trong đó có cả những rủi ro cũng như cơ hội.
Về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệp May Việt Nam cũng cho biết, dệt may hiện là ngành công nghiệp đứng đầu cả nước về thu dụng lao động với khoảng 2,7 triệu người, đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu sau điện thoại và linh kiện - năm 2018 đạt 36,1 tỷ USD, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong gần 30 năm nay, dệt may Việt Nam đã phát triển từ con số 0. Năm 1990 mới xuất khẩu 52 triệu USD. Đến năm 2002 khi ký hiệp định song phương với Mỹ, đã xuất khẩu khoảng 2,75 tỷ USD, đến 2013 đã tăng lên 21 tỷ USD, và 2018 là 36,1 tỷ USD.
Về nhập khẩu, ông Văn Cầm cho biết, chúng ta nhập rất nhiều bông (khoảng 3 tỷ USD), vải trên 12 tỷ USD, nguyên phụ liệu trên 3,6 tỷ USD và chủ yếu nhập từ Trung Quốc, tiếp đến là Hàn Quốc. Từ năm 2015-2017, nhập khẩu nguyên vật liệu bông vải sợi từ thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam đã phần nào giảm đi. Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn xơ sợi, 80% vải...Về may, Việt Nam có thế mạnh nhưng chủ yếu vẫn là hình thức gia công. "Cơ hội cho ngành dệt may trong CPTPP là mở rộng thị trường sang Mexico, Peru và Canada. Ngoài ra, những tác động khác nhau thúc đẩy cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn... cũng có ảnh hưởng tích cực lên ngành dệt may", ông Cẩm nhận định.
Nông nghiệp làm gì để tránh thua trên sân nhà
Bên cạnh câu chuyện của dệt may, nông nghiệp cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực bởi đặc thù đây là ngành thường đi chậm chân hơn những ngành khác. Ông Đỗ Văn Huệ, Ủy viên Thường trực CLB Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam cho biết nông nghiệp Việt Nam vẫn thụ động trên chính sân nhà, chưa nói đến xuất khẩu. Ngành nông nghiệp đang sản xuất những cái mình có chứ chưa cái thị trường cần. Có những sản phẩm ở nước ngoài cần nhưng trong nước không biết. Doanh nghiệp Việt không nắm được thông tin nên không đưa sản phẩm đi chào, thay vào đó trông chờ vào doanh nghiệp nước ngoài sang tìm kiếm, khi đó có thể rơi vào vị thế là người gia công cho họ.
Trong ngành chăn nuôi, nói về hiệu suất, có vài thông số cơ bản: Daily gain weight - chỉ số tăng trọng, FCR - tỷ lệ thức ăn tiêu tốn cho một ký thịt heo hơi (tỷ lệ chuyển đổi thức ăn), BSY - số heo con cai sữa trên một con heo nái. Ở Việt Nam, chỉ số BSY chỉ mới đạt 20-23 trong khi ở Đan Mạch là 35 và bình quân một số nước trên thế giới là 30, theo ông Nguyễn Cao Trí - Tổng Giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam.
Từ những chỉ số trên, ông Trí nhận định bản thân ngành chăn nuôi heo của Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh. Đánh giá về nguyên nhân, ông Nguyễn Cao Trí - Tổng Giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam đưa ra nhiều lý do, đặc biệt trong đó là hệ thống chuồng trại. Tham gia CPTPP có cả những nước mạnh về chăn nuôi, về quy mô hệ thống quản lý trang trại, chất lượng như New Zealand , Mexico. Khi đó, chúng ta có thể phải chịu đựng nhiều rủi ro cạnh tranh.
Ông Trí cho biết các giải pháp trang trại chăn nuôi heo của Việt nam chủ yếu vẫn là trang trại hộ gia đình, vừa và nhỏ nên năng suất thấp. Trong khi đó, các giải pháp mà BlueScope đang cung cấp là chuồng trại tốt, hệ thống chuồng trại thiết kế chuyên nghiệp, độ bền cao. Bên cạnh đó, công nghệ cũng rất quan trọng. Công nghệ cần phải nuôi tối ưu và tự động cho từng giai đoạn của con vật cùng công nghệ kiểm soát môi trường bên trong.
Một trong những yếu tố quan trọng trong mô hình chăn nuôi là nguồn cung cấp thực phẩm. Hiện, 60-65% chi phí chăn nuôi nằm ở nguồn thực phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có nguồn lương thực đầu vào tốt, được kiểm soát chất lượng, chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn vật nuôi đồng thời áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi.
Theo đại diện NS BlueScope Lysaght Việt Nam, chúng ta cũng cần có cơ chế phù hợp, xây dựng trung tâm hỗ trợ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều quan trọng là làm sao để tạo ra vùng trọng điểm trong chăn nuôi như mô hình của các nước tiên tiến. Theo ông, để làm điều này cần có sự đồng hành của doanh nghiệp, Chính phủ để tăng sức cạnh tranh, đón đầu lợi thế của CPTTP./.