Ngày 9-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên có đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có nhiều điểm khác so với chương trình giáo dục hiện hành. Trong đó, đáng chú ý, về mục tiêu giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chuyển từ nền giáo dục nặng về kiến thức sang nền giáo dục hướng đến phát triển con người toàn diện, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Về nội dung giáo dục, bên cạnh một số kiến thức được cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới chủ yếu là những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn,… Ngoài ra còn có một số điểm khác biệt liên quan đến số tiết học ở mỗi cấp và các chuyên đề học tập theo lựa chọn.
Sau khi công bố chương trình các môn học mới, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp tục chủ trì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88 Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa để kịp thời triển khai chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 năm học 2020-2021.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, cùng với việc thực hiện các hướng dẫn của Bộ, toàn ngành tiếp tục thực hiện việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhân rộng các mô hình dạy học tích hợp và thực hiện chuẩn hóa đội ngũ theo các quy định mới về chức danh nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, các cấp học chủ động sắp xếp bộ máy, tổ chức và tăng cường sinh hoạt chuyên môn, lấy ý kiến từ phía giáo viên; đánh giá hiệu quả dạy học theo hướng phát huy năng lực người học, tặng tính tự chủ các nhà trường trên cơ sở đánh giá hiệu quả và chất lượng dạy và học.