Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nếu không nhạy bén, kịp thời, thì Việt Nam sẽ lỡ cơ hội quý báu từ cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình
Tại buổi chia sẻ tầm nhìn 2019 tổ chức chiều 30/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thời gian tới kinh tế còn nhiều thách thức và biến động khi nền kinh tế có độ mở lớn, đầu tư nước ngoài có độ mở cao.
"Những tiến bộ về công nghệ làm thay đổi cách thức phát triển. Rủi ro khủng hoảng kinh tế thế giới, có thể làm ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu… Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đây là thách thức rất lớn", Bộ trưởng Dũng lưu ý.
Để đưa nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập tủng bình, theo ông Nguyễn Chí Dũng, tốc độ các năm tới phải nhanh hơn, bứt phá hơn, đuổi kịp các nước khu vực và thế giới. Đồng thời, phải duy trì được ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng cao, liên tục, kéo dài trong một thời gian.
Đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), Bộ trưởng KHĐT cho rằng, nếu không nhạy bén, kịp thời, coi đây là một cơ hội vô cùng quý báu, thì sẽ mất đi cơ hội. "Nếu chúng ta đi kịp chuyến tàu này thì khoảng cách chúng ta càng rõ rét, bắt kịp, đi cùng. Nếu không nắm được nó thì sẽ khác, bởi người ta không đợi mình", Bộ trưởng Dũng nêu rõ.
Với vai trò là cơ quan quan trọng tham mưu chiến lược, mọi chính sách sẽ được xây dựng đều vì người dân, hướng tới con người làm trung tâm để không ai bị bỏ lại phía sau, Bộ trưởng KHĐT khẳng định.
Ba trụ cột trong phát triển bền vững
Ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến ba trụ cột trong phát triển bền vững gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Trong các trụ cột đều phải lấy con người làm trung tâm xây dựng phát triển, người dân làm động lực và mục tiêu.
"Mọi chính sách của Chính phủ phải xoay quanh và mang lại hạnh phúc của người dân. Ước mơ nước Việt Nam thịnh vượng cần nắm bắt cơ hội, khơi thông mọi nguồn lực, tìm kiếm động lực và biến thách thức thành cơ hội, biến cơ hội thành hiện thực," Bộ trưởng nói.
Nhìn nhận lại 30 năm đổi mới, ông Dũng cho rằng đất nước đã từng bước xây dựng được cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng, trở thành nước có thu nhập trung bình. Quy mô và tiềm lực kinh tế ngày càng lớn mạnh, đời sống người dân được nâng cao.
Theo đó, với tốc độ tăng GDP bình quân 6,8%/năm, quy mô nền kinh tế tăng gần 39 lần với 245 tỉ USD; GDP bình quân đầu người tăng 27,4 lần với mức 2.587 USD/người.
Song so với một số nước trong khu vực, ông Dũng cho rằng quy mô này vẫn còn khiêm tốn. Đơn cử như Indonesia gấp 4,5 lần của Việt Nam, Thái Lan gấp 2, Malaysia gấp 1,4 lần; Hàn Quốc gấp 6,8 lần...
Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, bình quân đầu người đứng 138/188 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức chỉ ngang bằng GDP bình quân đầu người của Malaysia cách đây 20 năm, của Thái Lan cách đây 15 năm và Indonesia cách đây 10 năm.
"Đất nước ngày càng lớn mạnh nhưng so với quốc tế chưa thấm gì. Cách đây 40 năm Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan đều như Việt Nam, nhưng đến nay họ đi nhanh hơn và phát triển như vũ bão. Ta vẫn ở mức độ thường thường bậc trung", Bộ trưởng Dũng thẳng thắn chỉ rõ./.