Đó là mục tiêu hướng tới của ngành Nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết ngành năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) diễn ra sáng 3/1, tại Hà Nội.
Năm 2018 với nhiều kết quả toàn diện
Thông tin về những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong năm vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, kết thúc năm 2018, toàn ngành đã đạt được những kết quả toàn diện, thể hiện trên nhiều con số cụ thể. Trong đó, GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây; giá trị sản xuất tăng 3,86%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%; tỷ lệ xã đạt chuẩn Nông thôn mới đạt 42,4%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD.
Trên các lĩnh vực sản xuất ghi nhận những kết quả tích cực trong việc không ngừng tăng năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi. Trong năm, các địa phương đã chuyển 105 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình sản xuất rau, hoa, quả ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ đã đem lại thu nhập cao gấp trên 5 lần so với sản xuất lúa.
Điểm nhấn trong năm 2018 là các địa phương đã tổ chức các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản kịp thời thông qua các hội nghị, lễ hội, diễn đàn kết nối tiêu thụ và quảng bá nông sản, qua đó đã giảm thiểu tình hình ứ đọng sản phẩm, giảm thiệt hại cho người sản xuất.
Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo chiều hướng có nhiều chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu như: thịt lợn đông lạnh chính ngạch sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản. Tổng sản lượng thịt hơi 5,36 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2017. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,1%).
Năm 2018, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thị trường cũng là điểm quan trọng mà ngành nông nghiệp đạt được, nhất là những thị trường lớn, bao gồm các mặt hàng thịt bò, sữa vào Malaysia; thịt lợn, gà, trứng vào Singapore; thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc; vú sữa vào Hoa Kỳ; chôm chôm vào New Zealand; chanh leo vào EU,...
Nhờ việc tháo gỡ thị trường, hầu hết nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá ở mức có lợi cho nông dân. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017; thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD. Đặc biệt, mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu ước đạt 9,01 tỷ USD, đồ gỗ và lâm sản ước đạt 9,34 tỷ USD. 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD tiếp tục được duy trì, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD.
“Kết quả trên là thành quả của đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ cơ chế, cải cách thủ tục hành chính, khai thông thị trường đã tạo môi trường thuận lợi, phát huy cao độ tinh thần lao động cần cù sáng tạo của bà con nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đánh giá tổng thể, năm 2018, ngành NN&PTNT tiếp tục khẳng định xu thế, chuyển đổi cơ cấu ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, việc thị trường xuất khẩu được mở rộng, giá cả ổn định, cùng với ứng dụng khoa học công nghệ mới là động lực tạo sự đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo đà cho phát triển của ngành nông nghiệp.
Phấn đấu lọt nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả xuất sắc ngành nông nghiệp đạt được trong năm vừa qua. Theo Thủ tướng, năm 2018 là năm ngành nông nghiệp nước nhà đạt được nhiều kết quả vượt bậc, nhiều điểm sáng, điểm mới, đạt thành tích toàn diện. Quan trọng nhất là, đời sống của người dân, đặc biệt ở các vùng cao, vùng sâu được nâng lên và cải thiện hơn.
Đặc biệt, với mức tăng trưởng 3,76% là mức tăng trưởng cao và ngoạn mục, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng chung của cả nước. Tái cơ cấu đúng hướng, nhiều sản phẩm đã có thị trường lớn, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu vượt mức kế hoạch.
Trên tinh thần những kết quả đạt được,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra mục tiêu cho ngành nông nghiệp. Đó là, phấn đấu trong 10 năm nữa Việt Nam phải vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản vào nhóm 10 nước của thế giới. Việt Nam phấn đấu trở thành một trung tâm chế biến xuất khẩu đồ gỗ lâm sản hàng đầu thế giới, nơi sản xuất tôm lớn của thế giới.
Về nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu trong năm 2019, tăng trưởng khu vực nông nghiệp phải đạt cao, ít nhất 3%, xuất khẩu khoảng 42-43 tỷ USD, có 70 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.
“Đây là nhiệm vụ đầy khó khăn thách thức nhưng chúng ta phải làm. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị, nếu chúng ta không làm điều đó đồng nghĩa với việc đời sống nông dân của chúng ta còn khó khăn” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Để thực hiện nhiệm vụ đề ra, Thủ tướng đề nghị, việc đầu tiên, cần có thể chế pháp luật tốt, phải xóa bỏ những thể chế pháp luật lạc hậu để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến. Thứ hai là tái cơ cấu mạnh mẽ hơn, xây dựng các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, cấp địa phương gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Thứ ba, cần làm tốt công tác thị trường, bao gồm dự báo cung cầu và phát triển thị trường mới, đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho các nông sản Việt Nam từ gạo, đến tôm, giống lúa, giống cá tra,…
Thứ tư, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đưa công nghệ cao, công nghệ sinh học, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nông nghiệp.
“Nông nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, phát triển thị trường,…là những vấn đề đột phá trong nông nghiệp Việt Nam” – Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng lưu ý tới chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cần quan tâm tới các vấn đề: môi trường sống, nhất là xử lý rác thải rắn; vấn đề đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của người dân. Đáng lưu ý là vấn đề cơ chế cho các vùng còn quá khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đối với nông thôn mới, cần nhấn mạnh tiêu chí thu nhập, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu.
Nêu rõ năm nay dự báo hiện tượng El- Nino ảnh hưởng đến nước ta, Thủ tướng đề nghị cần theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động làm tốt công tác tham mưu chỉ đạo ứng phó thiên tai, không để bị động, bất ngờ, không để thiên tai gây nhiều thiệt hại đến đời sống và sản xuất của người dân./.