Các sản phẩm túi nilon và các bao bì bằng nhựa từ lâu đã trở thành vật dụng rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày, gắn với thói quen sử dụng của đa số người dân. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây chính là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".
Ghi nhận của phóng viên, khi tiến hành “mục sở thị” tại một số khu chợ lớn tại Hà Nội như: Chợ Hôm, chợ Đầu mối…, tình trạng sử dụng túi nilon, ống hút, màng bọc thực phẩm… được bày bán và sử dụng rất nhiều. Những sản phẩm này có giá khá rẻ, cốc nhựa chỉ khoảng 10.000 – 20.000 đồng/túi 50 chiếc, ống hút 5.000 -10.000 đồng/túi 100 chiếc. Rồi tại các siêu thị, sản phẩm nhựa dùng một lần được bày bán nhiều. Phần lớn các sản phẩm nhựa dùng một lần này không có thông tin gì về chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng, hướng dẫn cách sử dụng an toàn.
Đặc biệt, đây cũng là món đồ không thể thiếu tại cửa hàng đồ uống, đồ ăn nhanh hay trong những buổi party, picnic dã ngoại. Đồ nhựa dùng một lần còn được rao bán tràn lan trên các trang mạng internet, chỉ cần cú điện thoại, người tiêu dùng được cung cấp tận nơi…Hệ quả là lượng rác thải nhựa đang gia tăng nhanh, xuất hiện ở khắp nơi.
Thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tại Việt Nam, rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Chất thải nhựa khó phân hủy kéo dài gây ô nhiễm môi trường, chi phí xử lý tốn kém nhưng lại là nguồn năng lượng tái tạo khi sử dụng đúng phương pháp.
Đặc biệt, tại các thành phố lớn, rác thải nhựa được sử dụng một cách tràn lan. Tại Hà Nội, mỗi ngày thành phố thải ra 4.000-5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm 7-8%. Như vậy, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilon cả nước chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".
Theo đánh giá của các chuyên gia, tại Việt Nam, người dân rất ưa thích sử dụng túi nilon vì tiện lợi và phù hợp thói quen mua bán nhỏ, lẻ. Đây là nguyên nhân khiến rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Điều đáng buồn là chỉ một phần nhỏ trong số này được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp cùng với rác thải hoặc vứt bỏ khắp nơi. Và biển là một trong những điểm đến cuối cùng của túi nilon.
Rác thải nhựa, trong đó có túi nilon tấn công môi trường biển không còn là mối đe dọa mà gây ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân. Tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon chính là tính chất rất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm gây ô nhiễm môi trường, đe dọa các hệ sinh thái.
Bàn về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, rác thải nhựa đang là vấn nạn môi trường nhức nhối của thế giới và cả Việt Nam. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Và Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.
Ông Hoàng Văn Thức cũng cho biết, các sản phẩm từ nhựa và nilon ra đời đã mang lại không ít tiện ích cho đời sống con người, nhưng việc sử dụng những sản phẩm này đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh vật. Phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. “Trong hàng trăm năm đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường. Chất thải nhựa và nilon khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa Dioxin và Furan - những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người”, ông Thức nói.
Để loại trừ hiểm họa từ rác thải nhựa, cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa đại dương; từ đó, giúp thay đổi thói quen của người dân trong việc thải bỏ rác thải nhựa ra môi trường; thúc đẩy sự phối hợp của các cấp, các ngành trong hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, giúp chính quyền, người dân và doanh nghiệp tích cực thực hiện các giải pháp dài hạn để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Đánh giá về mối nguy hại của rác thải nhựa hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho biết, hiện các sản phẩm túi nilon và các bao bì bằng nhựa đã trở thành vật dụng rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày, gắn với thói quen sử dụng trong cuộc sống của đa số người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon và chai nhựa được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Do vậy, một lượng rất lớn túi nilon và bao bì bằng nhựa được sử dụng và sau đó thải ra môi trường hàng ngày, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái nếu không được quản lý phù hợp.
Để quản lý tốt hơn vấn đề chất thải nhựa và túi nilon, từ năm 2018, Bộ TN&MT đã phát động phong trào Chống rác thải nhựa và được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm, đồng thuận cao. Đặc biệt, các, Bộ, ngành và địa phương, toàn xã hội đã cùng chung tay tham gia phong trào, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, của xã hội về tiêu dùng và quản lý chất thải nhựa phát sinh cũng như thúc đẩy các biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu phát sinh về thu gom, xử lý chất thải nhựa một cách hiệu quả.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, trong năm 2019, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để duy trì, thúc đẩy phong trào chống rác thải nhựa thành hoạt động thường xuyên, liên tục như: Thu gom, phân loại các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi xử lý, tái chế theo quy định; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cơ quan và cộng đồng thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và túi nilon để thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
Để Việt Nam không còn là một trong những quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, ngay từ bây giờ, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân cần phải có sự thay đổi.
Hãy nói không với việc sử dụng túi nilon, ống hút nhựa, chai nhựa... để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta!