Năm 2019, lĩnh vực an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp hướng đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.
Nhiều chuyển biến tích cực
Theo số liệu mới công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2018, triển khai kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) ngay từ các yếu tố đầu vào, trên phạm vi toàn quốc đã có 1.845 cơ sở trồng trọt được cấp Giấy chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng hơn 80 nghìn ha (tăng 61 nghìn ha so với năm 2017). Khoảng hơn 500 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi trồng 2.618 ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 313 trang trại và 2.502 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP.
Trong năm, 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng thành công 1.249 chuỗi, 1.450 sản phẩm và 3.181 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với Hợp tác xã, hộ nông dân tổ chức chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn quy mô lớn như: Tập đoàn Vingroup, Dabaco,... Cùng với đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức hệ thống siêu thị kết nối với hơn 100 hợp tác xã nông nghiệp, hình thành các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Trên lĩnh vực giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, năm 2018, toàn ngành nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 70.592 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản, phát hiện 5.223 cơ sở vi phạm và xử phạt 39,8 tỷ đồng.
Kết quả giám sát tại các địa phương cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo ATTP của cơ sở và chỉ số ATTP các nhóm sản phẩm chủ lực so với năm 2017, 2016. Trong đó, không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol, mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh và mẫu thịt tươi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh đều giảm so với năm 2017.
Cùng với đó, lực lượng ngành đã tổ chức kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về các sự cố ATTP, tạo niềm tin cho người dân, mở rộng thị trường trong nước. Giải quyết kịp thời, hiệu quả các rào cản kỹ thuật về kiểm dịch và ATTP, duy trì xuất khẩu nông sản, thủy sản sang các thị trường truyền thống như: EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga; mở rộng xuất khẩu thịt gà sang Nhật, chanh leo sang Pháp, vú sữa sang Hoa Kỳ. Qua đó, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 đạt hơn 40 tỷ USD.
Vẫn còn nhiều tồn tại
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra về ATTP tại các địa phương vẫn còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn trong thực thi các nhiệm vụ theo phân công, phân cấp. Đặc biệt là trong tổ chức ký cam kết tuân thủ quy định ATTP đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.
Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như: lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; giết mổ không đảm bảo vệ sinh, ATTP... còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo ATTP cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ở nhiều địa phương, mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, vẫn còn sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan. Đặc biệt nhiều địa phương chưa chuyển hướng mạnh sang thanh tra đột xuất như chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chính phủ dẫn đến hiệu quả thanh tra không cao.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ tuân thủ quy định đảm bảo ATTP chưa thực sự hiệu quả dẫn đến tỷ lệ mẫu giám sát ATTP tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao.
Phấn đấu giảm thiểu tồn dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật
Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, năm 2019, lĩnh vực an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp hướng đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong đó, các đối tượng tham gia chuỗi giá trị nông lâm thủy sản từ người sản xuất, chế biến, lưu thông, buôn bán đến người tiêu dùng được phổ biến, hướng dẫn, vận động tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng quy định đảm bảo ATTP tăng 10% so với năm 2018.
Để triển khai nội dung trên, toàn ngành tập trung xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất quy mô lớn các sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng. Nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Phát triển hợp tác xã, liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc gắn với xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.
Đáng chú ý, vận động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp quy mô nhỏ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, thực hành sản xuất tốt trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. Tổ chức kiểm tra chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định.
Song song với đó, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng đắn công tác quản lý vật tư nông nghiệp và bảo đảm ATTP. Tăng cường truyền thông, quảng bá cho các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp chất lượng cao, thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; công khai các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định của pháp luật về ATTP.
Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan phát hiện, điều tra, thanh tra đột xuất, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu; các cơ sở sản xuất và các cơ sở tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản./.