Nhu cầu ghép mô, tạng hiện nay ở nước ta là rất lớn. Mỗi năm có thêm hàng nghìn người bệnh cần nguồn tạng ghép. Do thiếu nguồn mô, tạng, cho nên nhiều người đã qua đời trong thời gian chờ đợi. Nguồn tạng hiến khan hiếm là do có những “rào cản” từ vấn đề nhận thức, tâm linh đến chính sách pháp luật hiện hành.
Ngày 19-2 vừa qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia kết hợp với Ngân hàng Mắt Trung ương và Bệnh viện 19-8 đã tiếp nhận giác mạc hiến tặng của anh Hắc Ngọc Trung, SN 1990, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) khi anh Trung vừa qua đời. Trước đó, ngày 18-2, dù sức khỏe đã rất yếu, anh Trung vẫn ký vào đơn xin đăng ký hiến tặng mô, tạng do một người thân viết hộ theo tâm nguyện của anh rồi gửi theo đường bưu điện về Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Mặc dù đến ngày 22-2, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia mới nhận được đơn xin đăng ký hiến tạng của anh Hắc Ngọc Trung nhưng với sự đồng thuận của tất cả người thân trong gia đình, việc tiếp nhận giác mạc hiến tặng đã được tiến hành trước đó. Tuy nhiên, không phải trường hợp hiến tặng mô, tạng nào cũng thuận lợi như vậy.
GS, BS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, từng có trường hợp bị chết não do tai nạn lao động. Hầu hết những người thân trong gia đình nạn nhân đã đồng ý hiến tạng, chỉ còn duy nhất người anh trai không liên lạc được. Khi các thủ tục hiến, ghép tạng đang được tiến hành, những bệnh nhân ghép tạng phù hợp chuẩn bị lên bàn mổ thì anh trai nạn nhân bất ngờ xuất hiện và không đồng ý. Ca hiến, ghép tạng đành phải hủy bỏ, sau đó nạn nhân qua đời, còn người bệnh cần ghép tạng mất đi cơ hội sống. Thậm chí có trường hợp người em mắc bệnh hiểm nghèo, anh trai không may bị tai nạn giao thông dẫn đến tình trạng chết não, nhưng những người thân trong gia đình nhất định không cho lấy tạng của người anh thay cho người em. Cuối cùng, người anh ra đi và người em cũng mất luôn cơ hội được sống.
Trường hợp bé Nguyễn Hải An, 7 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thì “rào cản” lại đến từ văn bản pháp luật. Trước khi bé Hải An qua đời, mẹ của bé đã liên hệ với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia bày tỏ ý nguyện của bé là được hiến tặng tạng cho những bạn nhỏ khác đang chờ được ghép tạng. Thế nhưng, theo quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác thì chỉ những người đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự mới có quyền hiến mô, tạng bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết. Chính vì vậy, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia không thể tiếp nhận tạng hiến tặng từ bé Hải An, mà chỉ có thể tiếp nhận giác mạc của bé sau khi bé qua đời.
Hiện nay, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Luật Bảo hiểm y tế chưa đề cập vấn đề chi phí xét nghiệm khám sàng lọc cho người hiến tặng mô, tạng khi còn sống. Theo quy định của ngành y tế, những trường hợp hiến tạng đều phải thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định có đủ điều kiện được hiến tạng hay không. Chi phí cho các xét nghiệm này có thể lên đến hàng chục triệu đồng và người hiến tạng phải tự thanh toán. Thời gian qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã tiếp nhận một số trường hợp tình nguyện hiến tạng cho người không quen biết như: Sư thầy Thích Đạo Cảnh ở chùa Diên Phúc, xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội); anh Phạm Văn Thọ, sinh năm 1977, ở xã Đức Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang); bác Lê Thị Thảo, sinh năm 1959 và chị Bùi Thị Hòa, sinh năm 1986 (con gái bác Thảo) cùng ở xã Trung Chính (Lương Tài, Bắc Ninh). Do chưa có quy định về việc thanh toán chi phí xét nghiệm khám sàng lọc cho người hiến tặng mô, tạng khi còn sống, cho nên bệnh viện cũng không có cơ sở để thanh toán. Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã phải tìm mọi cách, kể cả vận động và kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để chi trả kinh phí xét nghiệm cho những trường hợp này, bởi nếu không, họ sẽ phải tự chi trả. Đây cũng là một “rào cản” cho những người tình nguyện san sẻ một phần cơ thể mình để cứu giúp người khác.
Ths Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho rằng, sẽ là một thiệt thòi cho những người tình nguyện hiến tạng khi phải tự chi trả chi phí các xét nghiệm để xác định mình có đủ điều kiện được hiến tạng hay không. Người tình nguyện hiến một phần cơ thể để dành sự sống cho người khác thì rất xứng đáng được tôn vinh và chúng ta phải có trách nhiệm với họ. Vì vậy, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nên được sửa đổi đồng bộ với Luật Bảo hiểm y tế theo hướng bảo hiểm y tế thanh toán toàn bộ chi phí xét nghiệm đánh giá các chỉ số của người hiến tạng, nhằm bảo đảm quyền lợi cho họ.
Về trường hợp chưa đủ tuổi đăng ký hiến tạng, Ths Nguyễn Hoàng Phúc cũng cho rằng, nếu một người trước 18 tuổi không may bị chết não mà họ đã có nguyện vọng được hiến tạng và được gia đình xác nhận đồng ý cho hiến tạng thì luật pháp nên cho phép tiếp nhận tạng hiến.
“Hiện nay, một số nước trên thế giới đã thực hiện việc tích hợp thẻ hiến tạng trong bằng lái xe với các thông số về sức khỏe. Điều đó giúp mọi người thêm cơ hội lựa chọn, đăng ký hiến tặng mô, tạng mà không nhất thiết phải đến các bệnh viện, cơ sở y tế để đăng ký”. Ths Nguyễn Hoàng Phúc Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia |