Thanh tra Bộ Tài chính vừa có kết luận chính thức về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV).
|
Ảnh minh họa. |
Theo đó, Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình hoạt động, kinh doanh, việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại tổng công ty này.
ACV hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1-4-2016 với các ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, bao gồm: Đầu tư, quản lý vốn đầu tư, trực tiếp sản xuất, kinh doanh tại các cảng hàng không sân bay; đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cảng hàng không, cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không, an toàn hàng không; cung ứng các dịch vụ bảo dưỡng tàu bay; xây dựng tư vấn sửa chữa bảo trì, lắp đặt các công trình xây dụng, các trang thiết bị…
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của ACV cho thấy, vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31-12-2017 là hơn 27.384 tỷ đồng; tổng nợ phải trả lên tới 21.778 tỷ đồng; doanh thu và thu nhập là 15.236 tỷ đồng; tổng chi phí là 9.892 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 5.343 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, sau khi đã tiến hành thanh tra tại Công ty mẹ - Tổng công ty và 4 doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam gồm: Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP; Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất; Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam; Công ty cổ phần Dịch vụ mặt đất Sài Gòn cho thấy quản lý công nợ còn nhiều vấn đề.
Theo đó, tại 5 doanh nghiệp được thanh tra, nợ phải thu tại thời điểm 31-12-2017 là 8.020 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy có 4/5 doanh nghiệp được thanh tra chưa thực hiện đối chiếu, xác nhận đầy đủ nợ phải thu với số tiền 943 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng nợ phải thu.
Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị đã gửi bản xác nhận nợ nhưng đến thời điểm 31-12-2017 các khách nợ chưa gửi lại cho các đơn vị. Một số khách hàng chủ yếu là các hãng hàng không nước ngoài đã gửi biên bản xác nhận nợ nhưng các hãng này không gửi lại hoặc không thể liên hệ được với khách hàng do đã thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra Công ty mẹ - Tổng công ty chưa kịp thời xử lý để thu hồi 16 tỷ đồng là khoản tiền đã ứng và thanh toán cho các nhà thầu của một số hạng mục đã dừng thi công. Dù đến tháng 7-2017, ACV đã đôn đốc, đối chiếu xác nhận công nợ, lập hồ sơ quyết toán, nhưng một số nhà thầu đã không còn hoạt động tại địa chỉ làm việc, do đó khoản công nợ này khó có khả năng thu hồi.
Bên cạnh đó, về việc quản lý tài sản cố định, kết luận thanh tra của Bộ Tài chính cũng chỉ ra có 2/5 doanh nghiệp được thanh tra hạch toán tăng chưa đúng chi phí khấu hao tài sản cố định năm 2017 với số tiền 6 tỷ đồng.
Trong số đó, tại Công ty mẹ - Tổng công ty ACV số tiền hơn 5 tỷ đồng của 20 tài sản cố định hữu hình. Nguyên nhân được Thanh tra Bộ đưa ra là do Công ty mẹ - Tổng công ty xác định thời gian khấu hao tài sản cố định của nhà ga VIP, máy móc thiết bị..., không nằm trong khung khấu hao theo quy định.
Thanh tra về phần chi phí khấu hao tài sản cố định, Bộ Tài chính cũng cho hay, ACV đã trích chi phí khấu hao tăng không đúng dẫn đến xác định thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 là 1 tỷ đồng.
Trước hàng loạt sai phạm, Thanh tra Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề nghị ACV phải nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước với số tiền hơn 321,8 tỷ đồng; trong đó, chênh lệch thu - chi từ hoạt động khu bay (tài sản nhà nước) số tiền hơn 24 tỷ đồng.
Một số công ty còn kê khai thiếu số phải nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 297,8 tỷ đồng; trong đó, thuế giá trị gia tăng là 3,8 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 2,2 tỷ đồng; tiền đền bù giải phóng mặt bằng là 291,7 tỷ đồng.
Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc ACV; Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc công ty được thanh tra tổ chức thực hiện các kiến nghị và các biên bản thanh tra, gửi báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ Tài chính trước ngày 31-3.