Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các ý kiến thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra ngày 1/3 cho thấy tình hình kinh tế tháng 2 năm 2019 tiếp tục ổn định, diễn biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, với nhiều điểm nhấn đáng lưu ý.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng trước. Lạm phát cơ bản tháng 2/2019 tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với quy luật tháng Tết hằng năm. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất (tăng 1,73%).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 9,2% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm trước tăng 13,7%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 11,5%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 9,25%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,28%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 5,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,9%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 4,3%.
Cả nước có gần 16 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 14,6% về số doanh nghiệp do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi kéo dài, nhưng tăng 25,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; có trên 10 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 48,2% so với cùng kỳ.
Vốn FDI thực hiện tăng 9,8%. Đây cũng là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng. Vốn FDI cấp mới tăng 75,7% so với cùng kỳ; FDI tăng vốn tăng 22,1% so với cùng kỳ; góp vốn, mua cổ phần tăng 4 lần so với cùng kỳ. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 02 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,15 triệu lượt khách, tăng 10,12% so với cùng kỳ. Trong đó, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28/2 được coi là cơ hội “vàng” cho du lịch Việt Nam, thu hút một lượng lớn khách quốc tế. Kết quả, trong tháng 2, khách quốc tế đạt gần 1,59 triệu lượt, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là tháng Việt Nam đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều khó khăn, thách thức và một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Hai giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn Trung ương giảm 35,5%. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 tăng 10,1%).
Thời tiết nắng ấm cũng khiến sâu bệnh gây hại trên lúa diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát ổ dịch tại một số địa phương.
Nhiều sản phẩn xuất khẩu chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như điện thoại và linh kiện giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; rau quả giảm 14,4%; cà phê giảm 26,9%; hạt điều giảm 21%; gạo giảm 17,5%; hạt tiêu giảm 20,6%.
Có thể thấy, những thành tựu đạt được của năm 2018 và tiếp tục phát triển ổn định trong 2 tháng đầu năm 2019 nói trên là rất phấn khởi, nhiều chỉ tiêu tiếp tục tăng cao hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh còn thấp. Sức chống chịu của nền kinh tế chưa cao. Cạnh tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới.
Do đó, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời có những phản ứng chính sách phù hợp. Từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và chương trình hành động của bộ ngành, địa phương.
Kiên định thực hiện các nhiệm vụ, công việc đề ra, trong đó cần bám sát mục tiêu tại các kịch bản tăng trưởng GDP hàng quý, 6 tháng, cả năm. Quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tục tạo chuyển biến mạnh mẽ; nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019.
Còn 1 tháng nữa là hết Quý 1/2019, từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần nỗ lực phấn đấu, tập trung và tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quý 1/2019 theo kịch bản đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn Quý 1 các năm trước, tạo tiền đề quan trọng cho việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.
Chúng ta cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành không cần thiết. Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.
Một nhiệm vụ khác là đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai, các dự án lớn, dự án quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2019.
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng đã yêu cầu cần tiếp tục ưu tiên củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ, phải biến nguy cơ thành thời cơ, chuẩn bị đón dòng đầu tư mới trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Ngay từ tháng 3, các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước biến động khó lường của kinh tế, thương mại quốc tế.
Thủ tướng giao Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, rà soát lại quy mô GDP, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, có tổ chức quốc tế uy tín kiểm định và sớm công bố kết quả. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành liên quan tính toán, rà soát, đề xuất các chính sách phù hợp, nhất là về tiền tệ, tín dụng, tài khóa, đầu tư, thương mại...