Quyết liệt ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi

14:39, 04/03/2019

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước nhằm triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn ra vào ngày 4-3, tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng cùng các bộ, ban, ngành liên quan. Dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - PTNT, tính đến ngày 3-3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 7 tỉnh, thành trong cả nước là: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương với tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy trên 4.200 con, tổng trọng lượng gần 300 tấn. Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết là 100% và đến nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu.

Đối với tỉnh ta, mặc dù hiện nay chưa xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng tỉnh đã ban hành chỉ thị, kế hoạch cùng nhiều văn bản liên quan nhằm giám sát phát hiện sớm, chủ động và sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác khoanh vùng dập dịch; ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển dộng vật và các sản phẩm động vật; hỗ trợ người chăn nuôi để tránh tình trạng bà con bán tháo lợn bệnh…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đặc điểm ngành chăn nuôi ở Việt Nam khác với các nước, số đầu lợn lớn nhưng chủ yếu là hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ nên rất khó ngăn chặn dịch nếu không có biện pháp hợp lý, đồng bộ. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải khẩn cấp, quyết liệt chống dịch, huy động các cấp, các ngành cùng phối hợp ngăn chặn có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương kiểm soát việc vận chuyển lợn sống từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh phía Nam; kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy lợn. Đồng thời, vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh…