Theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 1-3-2019, các cơ sở y tế bắt đầu thực hiện tiến trình thay thế bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử. Tuy nhiên, việc triển khai bệnh án điện tử vẫn mới ở giai đoạn khởi động.
Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, từ ngày 1-3-2019, các cơ sở y tế bắt đầu thực hiện tiến trình thay thế bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2025, các bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt sẽ phải hoàn tất việc thay thế bệnh án giấy, chuyển hoàn toàn sang sử dụng bệnh án điện tử, các bệnh viện còn lại sẽ thay thế hoàn toàn trước năm 2030.
Bệnh án điện tử có thể sắp xếp và tự động hóa quy trình công việc của bác sĩ bảo đảm tất cả thông tin lâm sàng, cận lâm sàng được thông suốt. Bệnh án điện tử giúp thu thập dữ liệu không những hỗ trợ tốt cho việc chăm sóc sức khỏe mà còn hỗ trợ cho các công tác khác như tính viện phí, quản lý chất lượng, báo cáo kết quả điều trị, báo cáo thống kê bệnh viện...
Tuy nhiên, việc triển khai bệnh án điện tử vẫn mới đang ở giai đoạn đầu triển khai tại một số bệnh viện. Ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp cho biết, hiện nay tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang áp dụng bệnh án giấy như bình thường.
“Để triển khai được bệnh án điện tử là cả khối công việc lớn chứ không thể áp dụng ngay được. Để triển khai đồng bộ và hiệu quả, đầu tiên chúng tôi phải xây dựng được phần mềm quản lý dữ liệu. Phần mềm dữ liệu này phải rất lớn, do vậy bệnh viện và đối tác công nghệ thông tin của bệnh viện cần thời gian để lên phương án hoàn thiện”, ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, hiện nay yếu tố quan trọng để thực hiện bệnh án điện tử là chữ ký điện tử của bác sĩ. Song về mặt pháp lý hiện nay chữ ký điện tử của các bác sĩ vẫn chưa được công nhận mà chỉ căn cứ vào chữ ký trên giấy của bác sĩ điều trị.
Tại bệnh viện lớn nhất nhì cả nước như Bạch Mai, hiện nay việc ứng dụng công nghệ 4.0 được thực hiện chủ yếu ở giải pháp là cấp mã số định danh (ID) để quản lý. Trong thanh toán viện phí, bệnh viện áp dụng thanh toán một lần, hóa đơn điện tử.
Đối với Bệnh viện Nhi Trung ương, việc triển khai bệnh án điện tử đang được tiến hành thí điểm tại Khoa Quốc tế. Từ khi triển khai bệnh án điện tử, thời gian chờ đợi thủ tục khám, nhập viện, cấp cứu của bệnh nhân giảm đáng kể. Đồng thời, bác sĩ cũng có nhiều thuận lợi khi nắm đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh, tình trạng bệnh, loại thuốc đã sử dụng của người bệnh.
Một trong những đơn vị rất tích cực triển khai công nghệ 4.0 trong bệnh viện để hướng tới hoàn thiện bệnh án điện tử là Bệnh viện Việt Xô. Theo ông Trương Xuân Thành, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, hiện bệnh viện đang thực hiện hệ thống không phim (truyền tải dữ liệu, rồi trả kết quả trên máy tính, không in kết quả - PV). Bác sĩ có thể xem kết quả bệnh nhân ở bất kỳ nơi nào có internet để đọc kết quả. Công nghệ này đã giúp bệnh nhân giảm được thời gian chờ đợi, giảm được chi phí in phim.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, việc triển khai hệ thống bệnh án điện tử sẽ hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, có một thách thức với nhiều bệnh viện là chưa có một phần mềm quản lý bệnh viện thống nhất cả nước. Ông Dương Đức Hùng cho rằng, Bộ Y tế nên tiến hành xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện thống nhất cả nước, phân chia theo quy mô hành chính từ cấp xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Các bệnh viện sẽ căn cứ vào đó để tiến hành quản lý bệnh viện, tránh tình trạng nếu quy định như hiện nay, sẽ phát sinh tình trạng mỗi bệnh viện một kiểu, khó cho công tác quản lý. Do đó, để triển khai bệnh án điện tử cần phải có lộ trình và đòi hỏi chi phí rất lớn.