Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập quốc tế tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả, vì phát triển nhanh và bền vững, được tổ chức sáng 23-4. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện một số tổ chức quốc tế ở Việt Nam; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố.
Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về hội nhập quốc tế giai đoạn 2014-2019 nêu rõ: Trong 5 năm qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực biến chuyển nhanh, phức tạp, tác động sâu rộng đến công tác hội nhập quốc tế của nước ta nhưng công tác này vẫn thu được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi và thu hút các nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện, Việt Nam đã thiết lập và nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với các đối tác quan trọng. Chúng ta đã tranh thủ hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư với các nước tăng trưởng tích cực. Đến hết năm 2018 đạt 480 tỷ USD, thặng dư 6,8 tỷ USD, cam kết FDI đạt 35,46 tỷ USD.
Công tác đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đạt được những đột phá quan trọng, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong nước. Nước ta đã hoàn tất đàm phán, ký kết các FTA với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á Âu, Hiệp định đối tác toàn diện và toàn bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang tiếp tục thúc đẩy và tiến tới ký kết nhiệu hiện định khác… Qua đó đã và đang tạo ra xung lực quan trọng cho phát triển kinh tế, thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; khẳng định vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Tại Hội nghị, đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương và một số tổ chức nước ngoài đã phát biểu tham luận làm rõ thêm những kết quả đạt được trong công tác hội nhập quốc tế, đồng thời cũng đề xuất nhiều giải pháp để hội nhập quốc tế ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó nhấn mạnh đến việc hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để thích hợp với quá trình và yêu cầu hội nhập…
Đối với Thái Nguyên, trong những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu đột phá, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo, cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo hướng tích cực. Đến nay, tỉnh đã ký các văn bản hợp tác với 6 địa phương nước ngoài dưới hình thức bản ghi nhớ hợp tác/ý định thư, như T.P Zweibrucken (Đức), T.P Forback (Pháp), tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc)… Trong đó có 2 địa phương đã ký ở mức độ thỏa thuận hợp tác. Bên cạnh đó, tỉnh đang tích cực xúc tiến, thiết lập, mở rộng hợp tác với một số địa phương ở các quốc gia khác. Nội dung hợp tác quốc tế chủ yếu trong lĩnh vực hợp tác phát triển kinh tế, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước, trao đổi đoàn để tăng cường mối quan hệ hữu nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hội nhập quốc tế là một chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và được cụ thể hóa phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của hơn 30 năm đổi mới và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục để tăng cường hội nhập quốc tế một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong thời gian tới. Vì thế, Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia và từng thành viên lưu ý vấn đề hội nhập quốc tế, tuyệt đối không chủ quan về những kết quả đã đạt được, cần tập trung theo sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có đối sách, chính sách phù hợp hơn. Cùng với đó, phải nâng cao trách nhiệm của từng doanh nghiệp, từng hiệp hội làng nghề, từng tổ chức; phải chủ động; biết nắm bắt thời cơ cũng như quyết liệt hơn nữa trong hội nhập; tiếp tục nghiên cứu xây dựng các đề án dài hơi hơn, đúng trọng tâm, hiệu quả phù hợp với xu hướng mở cửa, cạnh tranh; coi trọng việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển. Cùng với đó, là thực hiện tốt 3 phương châm: Nâng tầm; toàn diện và sâu rộng; đổi mới sáng tạo và hiệu quả, qua đó giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…