Theo nhận định của các doanh nghiệp (DN) ngành da giày, nửa cuối năm 2019, khi các văn bản hướng dẫn thực hiện được ban hành, phổ biến, Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tác động trực tiếp và tích cực với xuất khẩu (XK) của DN.
Kỳ vọng lớn
Nhận định về hiệu quả của Hiệp định CPTPP với ngành da giày, ông Diệp Thành Kiệt – Thành viên HĐQT Công ty CP May Thêu Giày Dép WEC Sài Gòn nhận định, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về sản lượng xuất khẩu giày dép ra thị trường thế giới với khoảng hơn một tỷ đôi các loại mỗi năm. Tuy nhiên, xét về dài hạn từ nay đến năm 2025, so với Trung Quốc, ngành da giày Việt Nam vẫn còn cạnh tranh tốt cả về chi phí lao động, thu nhập trên đầu người, chính sách kinh tế và thị trường xuất khẩu. Chưa kể, Hiệp định CPTPP có hiệu lực được kỳ vọng sẽ giúp DN da giày nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ các ưu đãi rõ ràng về thuế ngay trong những tháng cuối của năm 2019.
Kỳ vọng của ông Diệp Thành Kiệt cũng là kỳ vọng của rất nhiều DN da giày trong bối cảnh các Bộ ngành đang tích cực xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành sau khi Hiệp định này được Quốc hội phê duyệt vào tháng 1 vừa qua.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da – Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, trong khối CPTPP, Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Canada, Mexico, trong khi chúng ta đã có FTA với nhiều quốc gia khác như: Nhật Bản, Chile… Chính vì vậy, CPTPP là cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam đẩy mạnh XK vào các thị trường này. Mặt khác, hiện một số nhà nhập khẩu từ Canada, Mexico đã quan tâm các sản phẩm giày, dép, túi xách của Việt Nam, điều này cũng là yếu tố thuận lợi giúp sản phẩm da giày Việt Nam khai phá thị trường mới.
Thực tế, sản phẩm da giày của Việt Nam đã được XK sang các thị trường này nhưng kim ngạch tương đối thấp, như Canada chỉ khoảng 100 triệu USD/năm, tăng trưởng 5-6% mỗi năm, kim ngạch tại thị trường Mexico còn thấp hơn nữa. Quan trọng hơn, XK phần lớn do các khách hàng nhập khẩu sản phẩm qua Mỹ sau đó phân phối ngược trở lại sang Canada và Mexico. Tuy nhiên, do những vướng mắc trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, các nhà nhập khẩu Canada, Mexico đã chủ động hơn trong việc tiếp cận với các thị trường bên ngoài mà không quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Về phía Bộ Công thương, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, so với các Hiệp định thương mại song phương và đa phương khác mà Việt Nam đang tham gia, CPTPP mang lại giá trị gia tăng lớn khi mở cửa cùng lúc ba thị trường mới tại châu Mỹ là Canada, Mexico và Peru.
“Trong đó, Canada là thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu do cơ cấu hàng hóa mang tính bổ sung cho nhau tốt, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là da giày khá lớn. Đặc biệt, đây là thị trường có khả năng chi trả cho các sản phẩm có giá trị cao và là cầu nối quan trọng để DN Việt Nam mở rộng thị trường sang các quốc gia châu Mỹ khác” – ông Ngô Chung Khanh chia sẻ.
Bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh thêm, CPTPP mặc dù đã có hiệu lực nhưng thông tư hướng dẫn thực hiện vẫn chưa được ban hành, do vậy hiệp định này vẫn chưa tác động đến XK của ngành, DN vẫn thực hiện theo các quy định cũ. “Đây chỉ là những trở ngại về mặt thủ tục và sẽ qua rất nhanh. Nửa cuối năm 2019, khi văn bản hướng dẫn được ban hành, phổ biến, DN đã được đào tạo sẽ tận dụng tốt hơn các cơ hội từ hiệp định. Hơn nữa, theo quy định về hồi tố, DN XK thực hiện theo quy định cũ sẽ được thu lại số thuế đã nộp” – bà Xuân kỳ vọng.
Nắm cơ hội
Nắm bắt cơ hội từ Hiệp định CPTPP, DN trong nước đã có sự chuẩn bị tích cực, nhất là khối DN có vốn đầu tư nước ngoài khi đã tiếp cận thông tin về quy tắc xuất xứ; yêu cầu tất cả các đối tác khách hàng, nhà cung cấp cung cấp tất cả giấy tờ chứng nhận để xây dựng bộ quy tắc xuất xứ đáp ứng yêu cầu. Trong việc mở rộng sản xuất, DN đã đưa thêm công đoạn sản xuất đế giày vào trong chuỗi sản xuất tại Việt Nam để tạo ra được sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của hiệp định.
Để hỗ trợ DN, ngay trong quý I, Lefaso đã phối hợp Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tổ chức các khóa đào tạo để hướng dẫn về CPTPP cho DN. Hiện khu vực phía Nam đã có hơn 70 bộ hồ sơ khai xuất xứ đi vào các thị trường mới trong khối như Canada, Mexico. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy DN trong nước đã bắt nhịp và sẵn sàng tham gia sân chơi lớn.
“Trong thời gian tới hiệp hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa khâu cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan chuyên ngành tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo cho DN. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng sẽ thu thập kiến nghị của DN trong quá trình thực hiện để trình Bộ Công thương tháo gỡ kịp thời cho DN” – bà Phan Thị Thanh Xuân chia sẻ.
Với các DN, bà Phan Thị Thanh Xuân khuyến cáo, đầu tiên là phải nắm bắt rất rõ ràng thông tin. Ngoài quy định từ CPTPP, các quốc gia trong khối cũng có quy định riêng về tiêu chuẩn kỹ thuật và buộc phải đáp ứng mới có thể XK hàng hóa sang các thị trường này. Việc cập nhật, nắm bắt đầy đủ và tuân thủ một cách chặt chẽ những quy định này sẽ rất mới lạ và là trở ngại không nhỏ với DN quen sản xuất, tiêu thụ nội địa. Do đó, DN cần nâng cao năng lực nắm bắt thông tin, đào tạo từ những khâu rất nhỏ như khai form cho đúng, đến thu thập giấy chứng nhận xuất xứ.
Ngay trong tháng 1, XK giày dép đã đạt mức tăng trưởng 12%; tháng 2 do rơi vào dịp Tết Nguyên đán nên có sự suy giảm nhẹ nhưng tổng thể cả quý I/2019 ngành da giày vẫn đạt kế hoạch đề ra với mức tăng trưởng XK 10%. Năm 2019 ngành da giày dự kiến đạt 21,5 tỷ USD kim ngạch XK, tăng 10% so với năm 2018, tỷ lệ nội địa hóa đạt 60%.