Người dân hài lòng hơn với dịch vụ công, song còn quan ngại về môi trường và tham nhũng, đó là thông tin được đưa ra trong Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2018, công bố ngày 2/4.
Tham nhũng giảm so với 3 năm trước
Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở Việt Nam năm 2018 vừa được công bố, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018 nhìn chung có cải thiện ở các lĩnh vực PAPI đo lường. Đặc biệt, qua báo cáo, người dân cho biết nhũng nhiễu trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiểu học công lập thuyên giảm; họ hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản; và các cấp chính quyền cơ sở tương tác với người dân nhiều hơn.
Điểm các chỉ tiêu đo lường dịch vụ hành chính công về cấp phép xây dựng và dịch vụ ‘một cửa’ cấp xã/phường tăng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân cho rằng có nhũng nhiễu trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có hiện tượng cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích riêng không giảm. Đáng chú ý, đa số người dân quan ngại về chất lượng nguồn nước ngày càng xuống cấp hiện nay ở địa phương; hơn 50% số người được hỏi cho rằng chất lượng nguồn nước cho ăn uống, sinh hoạt hiện nay kém hơn so với ba năm trước.
Kết quả phân tích dữ liệu PAPI năm 2018 cho thấy, yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Người dân có cảm nhận vòi vĩnh trong dịch vụ y tế tuyến huyện/quận và giáo dục tiểu học công lập giảm đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2017. Tuy nhiên, "lót tay" để có việc làm trong khu vực Nhà nước, vòi vĩnh trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ chưa giảm. Bên cạnh đó, mặc dù người dân có chung quan điểm rằng tham nhũng đã giảm đi so với ba năm trước, mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau.
Về trách nhiệm giải trình với người dân, năm 2018,điểm chỉ số nội dung mới về Tiếp cận dịch vụ tư pháp cho thấy mức độ tin tưởng vào hiệu quả giải quyết tranh chấp dân sự của các cơ quan tư pháp, tòa án địa phương và cơ chế giải quyết tranh chấp phi tòa án không cao...
Tạo điều kiện để người dân tham gia quản trị đất nước
Tổng quan về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, mỗi địa phương đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Không có địa phương nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả tám chỉ số nội dung. Bến Tre và Lạng Sơn là 2 địa phương có tổng điểm cao nhất đều là 47,05 điểm; thấp nhất là Bình Định với 41,04 điểm. Tổng số điểm chỉ số PAPI của Hà Nội đạt 42,32 điểm.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Caitlin Wiesen, Quyền đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định: “Chỉ số PAPI là công cụ lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu kỳ vọng của người dân đối với các cấp chính quyền, và qua đó tạo điều kiện để người dân tham gia quản trị đất nước.Qua thời gian,Chỉ số PAPI ngày càng khẳng định là mô hình thúc đẩy quản trị có sự tham gia mà một số quốc gia trên thế giới đã tìm hiểu và học hỏi trong quá trình xây dựng những chỉ báo quan trọng đo lường tiến bộ trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 16 về xã hội hòa bình, công bằng và bình đẳng”.
TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng Chỉ số PAPI cũng là một “diễn đàn” để người dân bày tỏ những mối quan tâm, băn khoăn, để các cấp chính quyền hiểu được kỳ vọng của người dân, để các cơ quan, ban ngành trung ương và địa phương và người dân cùng hành động nhằm hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, Nhà nước của dân, do dân và vì dân”.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) đo lường hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân.
Báo cáo PAPI 2018 là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.
Hơn 14.300 người dân được chọn ngẫu nhiên từ tất cả 63 tỉnh/thành phố đã được phỏng vấn trong nghiên cứu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018./.