Bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thủ tục xuất, nhập cảnh

08:44, 29/05/2019

Các ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm đến quy định về quy trình, thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh gắn với cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh song vẫn phải bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Chiều ngày 28/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Góp ý vào dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng, Luật cần nêu rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi xuất, nhập cảnh ra nước ngoài. Họ không chỉ tuân thủ luật pháp nước sở tại mà phải gìn giữ văn hóa, bản sắc người Việt Nam, có trách nhiệm tuyên truyền giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam.

Liên quan đến quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng cần cân nhắc thận trọng. Bởi thực tế có trường hợp làm ăn mâu thuẫn với nhau, biết cá nhân đó sắp đi nước ngoài ký hợp đồng nên gửi đơn tố giác, nếu cơ quan xét đơn tố giác không thận trọng và tạm hoãn xuất cảnh, sau này xác minh tố giác đó là sai, thì người bị tố giác đã mất cơ hội làm ăn.

ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đặt vấn đề, nếu dự thảo Luật quy định: Hộ chiếu còn thời hạn có giá trị thay thế căn cước công dân, chứng minh nhân dân thì căn cước công dân và chứng minh nhân dân có được coi là tài sản của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hay không?. ĐB Tùng phân tích, về nguyên tắc khi đã giao cho công dân thì đó tài sản của công dân. Vậy chúng ta quản lý hộ chiếu như thế nào?.

ĐB Bùi Thanh Tùng cho hay, theo quy định của Bộ Ngoại giao, sau khi cán bộ công tác đi nước ngoài phải nộp hộ chiếu về cho cơ quan ngoại giao bởi đó là tài sản của Nhà nước. Khi nào được cử đi công tác thì người đi lại phải làm tờ khai xin rút hộ chiếu. Như vậy, ở một khía cạnh nào đó, đã làm giảm quyền công dân. Trên cơ sở đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ để tránh gây phiền hà cho công dân khi đi công tác nước ngoài.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị rà soát để quy định chặt chẽ điều kiện xuất cảnh, điều kiện nhập cảnh; bổ sung trường hợp chưa cho nhập cảnh để ngăn chặn đối tượng vì lý do quốc phòng, an ninh nhập cảnh về nước hoạt động.

Cũng trong chiều 28/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết xây dựng Luật Lực lượng dự bị động viên nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, nhất là các luật điều chỉnh quan hệ xã hội trong trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để lực lượng dự bị động viên hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Đồng thời, cũng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Lực lượng dự bị động viên, khắc phục những vướng mắc, bất cập và hạn chế sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên.

Góp ý vào những nội dung cụ thể, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đưa vai trò, vị trí, chức năng, quyền hạn của lực lượng dự bị động viên vào dự thảo luật để khẳng định thêm tầm quan trọng của lực lượng này trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) nêu quan điểm, dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo đảm quyền lợi cho người lao động thuộc đối tượng là dự bị động viên tại các doanh nghiệp, nhất là tính ràng buộc để bảo đảm việc làm, tiếp tục bố trí ổn định cũng như bảo đảm tiền lương, tiền thưởng sau khi họ hoàn thành nghĩa vụ dự bị động viên…/.