Trước thực trạng nhiều vụ việc tai nạn liên hoàn do rượu bia, Bộ Y tế một lần nữa lên tiếng, cần hạn chế sự sẵn có của rượu, bia bằng đề nghị giữ nguyên quy định giờ bán, cũng như việc quy định quản lý đối với quảng cáo, khuyến mại với cả rượu và bia trong Luật Phòng chống tác hại rượu, bia.
Biện pháp nào để hạn chế sự sẵn có của rượu, bia?
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 7 chương, 32 điều, quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia: Giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho việc phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia đã được trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tại cuộc họp với Ủy ban về các vấn đề xã hội ở TP HCM, vấn đề quản lý quảng cáo và giờ bán, điểm bán rượu bia đã được đưa ra khỏi Dự thảo.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia từng đưa ra đề xuất giờ bán rượu bia là từ 11-14 giờ và 17- 22 giờ hằng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch. Tuy nhiên, đề xuất này bị phản đối và buộc Bộ phải đưa ra khỏi Dự thảo.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, để hạn chế sự sẵn có của rượu, bia, một trong những biện pháp hữu hiệu là quy định về số lượng, địa điểm các cửa hàng bán bia, rượu cho những người uống tại chỗ hoặc mua về. Bên cạnh đó, có quy định về ngày và giờ bán rượu, bia ở các cửa hàng bán lẻ; hay quy định cấm bán lẻ rượu, bia tại một số điểm hoặc trong các sự kiện đặc biệt…
Tuy nhiên, nếu xét trên góc độ lợi ích của cộng đồng thì việc quy định thời gian bán rượu bia là cần thiết trong Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia để hạn chế tác hại do lạm dụng rượu, bia gây ra.
Ông Quang nhấn mạnh, trong khi nhiều nước trên thế giới để được phép uống rượu, bia rất khó khăn, ngược lại tại nước ta việc này dễ như trở bàn tay. Sự sẵn có của rượu bia về số lượng, giá thành khiến cho ai cũng có khả năng tiếp cận loại đồ uống này và phát sinh nhiều hệ lụy cho kinh tế, xã hội và sức khỏe của người dân.
“Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, thiệt hại kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3 đến 12% GDP của mỗi quốc gia. Giả sử tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất thế giới là 1,3 GDP thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế”, ông Quang nói.
Ông Nguyễn Huy Quang cũng tiếp tục đề nghị giữ nguyên việc quy định quản lý đối với quảng cáo, khuyến mại với cả rượu và bia trong Dự thảo.
Trước một số ý kiến cho rằng, chỉ nên quản lý quảng cáo rượu mà không tiến hành quản lý việc quảng cáo bia, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhấn mạnh, việc quản lý đối với quảng cáo cả rượu và bia là cần thiết do cả bia và rượu đều chứa cồn gây nghiện, được Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư, có tác động lên hầu hết cơ quan cơ thể.
“Dù ở nồng độ nào, rượu, bia cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến cơ thể. Hơn nữa, khi quy đổi ra nồng độ cồn nguyên chất thì mức độ tác hại là như nhau nên quy định quản lý đối với quảng cáo, khuyến mại rượu, bia cùng nồng độ phải như nhau”, bà Trang nói.
Bên cạnh đó, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng nếu không quản lý quảng cáo đối với bia thì sẽ không thống nhất với Luật cạnh tranh, phân biệt đối xử và không bảo đảm bình đẳng giữa các hàng hóa có tính chất như nhau. Việc không quy định quản lý quảng cáo đối với bia sẽ không bảo đảm mục tiêu của luật là không khuyến khích tiêu dùng và không thể chế hóa theo đúng Nghị quyết của Đảng là giảm tiêu thụ cả rượu, bia và thuốc lá.
Một điều quan trọng nữa, theo bà Trang, việc quản lý quảng cáo, khuyến mại với bia cũng sẽ lan truyền thông điệp, bia cũng gây hại như rượu để truyền thông đúng đích, giúp người dân hiểu rõ được tác hại của việc sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia.